Đình Hội Thống (còn gọi là đình Kiên Nghĩa) được hoàn thành vào năm 1660 tại làng Hội Thống (nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) với diện tích khoảng 2.500 m2. Đây được xem là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất xứ Nghệ. Theo các tài liệu, đình Hội Thống thờ Tô Hiến Thành, một ông quan thanh liêm đời Lý, ngoài ra thờ thêm bà Nguyễn Thị Khuê và ông Vũ Ninh Tiến, là những người giúp tiền của xây dựng đình, sửa chữa đê điều và trang trải sưu thuế. Sân đình Hội Thống rộng, bên trái là nhà bia, bên phải là miếu thờ thổ thần. Đình Hội Thống ngoảnh mặt hướng Tây, kiến trúc theo kiểu chữ Nhị (chữ Hán) gồm 2 tòa chính là nội tẩm và bái đường. Hai đầu là lầu chuông, gác trống. Năm 1995, đình Hội Thống được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đình có 7 gian, 32 chân cột bằng gỗ lim (mỗi cột lớn chu vi đến 1,7 m). Gian chính đặt hương án, 2 gian tả - hữu đắp nổi làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bậc. Những hoạ tiết hoa văn chạm khắc rồng phượng tinh xảo trên các cột, kèo, khiến không gian, kiến trúc đình vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, trang trọng, gần gũi. Trải qua hơn 360 năm, nhiều hạng mục của đình Hội Thống đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng... ... Mặc dù được chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị quản lý huy động kinh phí trùng tu nhiều lần nhưng vẫn không ngăn được tình trạng hư hỏng. Phần mái ngôi nhà hạ điện bị võng xuống do hệ thống kèo bị mối mọt và các cột trụ, hoạ tiết chịu lực bị nứt giữa thân do quá lâu đời. Hầu như toàn bộ kết cấu của đình đã bị xuống cấp, mối mọt theo thời gian. Năm 2021, chính quyền xã Xuân Hội đã tiến hành trùng tu, sửa chữa một số hạng mục như nhà bia. "Vài năm trước, địa phương đã tu bổ chỉnh trang lại một số vị trí tại ngôi đình nhưng chưa thay đổi được nhiều. Một số hạng mục quan trọng của đình đang có hiện tượng bị mối mọt, nứt nẻ khiến người vãn cảnh khi đến đây không tránh khỏi lo lắng" ông Nguyễn Văn Đào (83 tuổi, người trông coi đình Hội Thống) nói. Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Hội, để tu bổ các di tích có hiệu quả thì ngoài ngân sách của tỉnh cấp cho, đơn vị quản lý cần huy động thêm nguồn xã hội hóa và đóng góp của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó vì hầu như địa phương nào cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc duy tu phải đảm bảo giữ được nguyên bản khiến công tác bảo tồn tăng thêm phần khó khăn.
Cẩm Kỳ