Nam Định: Tin lời nữ nhân viên bưu điện, nhiều người già mất tiền tỷ
Lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân, nhất là những người già sinh sống cùng thị trấn với mình, nữ nhân viên bưu điện ở Nam Định đã lập 55 sổ tiết kiệm giả của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt để lừa đảo, chiếm đọat hơn 6,5 tỷ đồng của họ.
Ngày 15/9, thông tin từ Công an tỉnh Nam Định cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Bích Phượng (37 tuổi, trú tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu), nhân viên Bưu điện thị trấn Thịnh Long về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo cơ quan Công an, từ tháng 1/2021 đến tháng 2/2023, Phượng làm nhân viên tại Bưu cục thị trấn Thịnh Long, có nhiệm vụ nhận và gửi các đơn hàng theo yêu cầu của khách đến giao dịch; chi trả lương hưu hàng tháng; không có nhiệm vụ nhận tiền gửi tiết kiệm và phát hành sổ gửi tiết kiệm cho người dân.
Bưu cục thị trấn Thịnh Long cũng không có chức năng phát hành dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Vậy nhưng, lợi dụng vị trí công tác, Phượng đã lôi kéo nhiều người dân ở địa phương gửi tiền tiết kiệm bưu điện.
Phượng khai đã dùng tờ bìa A4 có màu xanh nhạt để làm giả sổ tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (trong khi sổ tiết kiệm của Ngân hàng TMCP bưu điện Liên Việt có màu trắng cam) ký tên ở mục giao dịch viên và dùng dấu đóng hàng ngày của bưu điện, có màu đen, đóng lên sổ để người dân tin tưởng đấy là sổ thật để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cụ thể, Phượng gặp gỡ nhiều người dân ở thị trấn Thịnh Long, chủ yếu là người cao tuổi có tiền tích cóp, ‘nổ’ là gửi tiết kiệm bưu điện có nhiều lợi ích, lãi suất từ 6-9%/năm, tùy từng thời điểm, lại ở gần nhà, không phải mất thời gian đến ngân hàng giao dịch.
Tin lời nữ nhân viên bưu điện sống cùng phố, 15 người dân ở thị trấn Thịnh Long đã làm 55 sổ tiết kiệm theo hướng dẫn của Phượng với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng mà không hề biết mình đang bị người này lừa đảo để chiếm đoạt tiền của mình, người gửi nhiều nhất là trên 2,7 tỷ đồng.
Một trong những nạn nhân của Phượng là thương binh Nguyễn Văn Hướng (trú tại tổ 14, thị trấn Thịnh Long). Sau lần gửi thử, thấy Phượng thanh toán lãi đúng hạn, ông Hướng đã dùng thêm tiền của 4 đồng đội, sinh hoạt cùng Hội Cựu chiến binh để gửi ‘cháu Phượng’, với tổng số tiền 455 triệu đồng.
Tương tự ông Hướng, bà Trần Thị Đượm (trú tổ 5, thị trấn Thịnh Long) cũng mang hết số tiền tích cóp dưỡng già, chữa bệnh gửi “cháu Phượng” nhưng không biết mình đã bị lừa.
Theo cơ quan công an, ngay cả khi không còn làm việc tại Bưu cục thị trấn Thịnh Long, Phượng vẫn tiếp tục tìm đến tận nhà, lôi kéo người dân thị trấn Thịnh Long gửi tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên, hành vi lừa đảo của Phượng dần lộ rõ khi những người gửi tiết kiệm không được Phượng thanh toán gốc lãi như cam kết; phản ánh, tố cáo tới các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan báo chí.
Như đã phản ánh, sau khi điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố, bắt giam Phượng để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Bước đầu cơ quan công an xác định, tiền chiếm đoạt được Phượng dùng cho các mục đích cá nhân.
“Tiết kiệm bưu điện” là dịch vụ nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chủ trương của Chính phủ.
Dịch vụ này được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) quản lý và thực hiện từ tháng 10/2005. Nhằm phát triển dịch vụ này, tháng 7/2011, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt. Từ đây, dịch vụ Tiết kiệm bưu điện có thêm những tên gọi khác là “Đại lý dịch vụ ngân hàng” hay “Ngân hàng trong bưu điện”.
Sau khi gửi tiết kiệm bưu điện, khách hàng sẽ nhận được sổ tiết kiệm có màu vàng cam, màu trắng và tin nhắn của Ngân hàng bưu điện gửi đến số điện thoại thông báo đã gửi tiết kiệm thành công.