Đẩy mạnh tín dụng lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL
Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng ĐBSCL, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng (tăng 8,5%); dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (tăng 9%).
Ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của vùng.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%).
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng (tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc).
“Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện. Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung“, bà Hà Thu Giang thông tin.
Cũng theo bà Hà Thu Giang, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có một thực tế cần nhìn nhận rằng việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.
Đó là hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp; nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản khi luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông. Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng.
“Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng. Bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, gia tăng áp lực lạm phát, tỷ giá, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào, xăng dầu leo thang; cầu tiêu dùng thế giới giảm, thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp; thị trường mới thiếu ổn định gây khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công”, bà Hà Thu Giang thông tin thêm.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng chia sẻ về kết quả đạt được của hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu đối với ngành hàng chủ lực thủy sản, lúa, gạo trên địa bàn vùng ĐBSCL và giá trị đóng góp của ngành này đối với sự phát triển kinh tế vùng nói riêng và của cả nước nói chung thời gian qua. Đặc biệt, Hội nghị đã nghe các Hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp phải đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng để cùng nhau tháo gỡ.