Để bích họa làm đẹp đô thị
Vài năm gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều ngõ bích họa, đường bích họa, phố bích họa… với mục đích tô đẹp cho phố phường. Dần dần vẽ bích họa trên phố đã trở thành phong trào rộng khắp với muôn kiểu khó kiểm soát trở thành thảm họa. Cùng với đó là việc không được tu sửa thường xuyên dẫn đến xuống cấp sau thời gian “trơ gan cùng tuế nguyệt” gây nên tình cảnh đô thị bị mất thẩm mỹ.
Khởi đầu của phong trào bích họa cho phố phường Hà Nội là con đường gốm sứ ven sông Hồng năm 2010. Đó chính là công trình con đường gốm sứ được xây dựng nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dài gần 4 km từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Tân Ấp với tổng diện tích lên tới 6.500m2, con đường gốm sứ đã được kỷ lục Guinness ghi danh là “bức tranh gốm lớn nhất thế giới”.
Năm 2017, dự án phố bích họa Phùng Hưng được triển khai. Mục tiêu của dự án là truyền tải thông điệp về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Từ đó, việc trang trí đường phố bằng những gam màu bắt đầu len lỏi vào các con phố, và ngõ ngách của Hà Nội. Có thể nhận thấy, ở hầu hết những con ngõ, khu dân cư hiện nay, đều dễ dàng bắt gặp các bức họa trang trí nhiều màu sắc.
Mới đây, dọc đường đê Xuân Quang (quận Long Biên, Hà Nội) đã được "thay áo mới" bằng những bức tranh bích họa mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội, làm thay đổi diện mạo triền đê…
Không thể phủ nhận sự tích cực mà những gam màu sắc đã mang lại bộ mặt mới cho phố phường. Tuy nhiên không phải phố bích họa nào cũng được đánh giá là có giá trị mỹ thuật, góp phần tôn tạo cảnh quan. Nhiều dự án tranh bích họa được khởi xướng ban đầu được cấp chính quyền vào cuộc ủng hộ rầm rộ nhưng sau khi thực hiện xong một thời gian lại bị rơi vào quên lãng. Trải qua thời gian những bức tranh chịu tác động của thời tiết, con người dẫn đến xuống cấp mà không được tu sửa kịp thời gây mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, bích họa (tranh tường) làm cho đô thị khác đi, là điểm nhấn cho đô thị và đạt được hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Đây là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên những hình ảnh khi được vẽ họa cần có giá trị mỹ thuật. Cần xác định được chủ đề của bức tranh để thực sự có ý nghĩa. Nếu vẽ chỉ để mục đích chống vẽ bậy hoặc tô vào những vết ố mốc thì nó thực vô nghĩa. Để giữ gìn được những bức bích họa trước sự ảnh hưởng của thời gian và thời tiết thì chỉ còn cách là kêu gọi xã hội hóa để tu sửa nó.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của những bức hoạ đã làm thay màu áo mới cho con phố trở nên sạch đẹp hơn. Nhưng không phải bích họa tốt, họa sĩ vẽ đẹp mà chỗ nào cũng vẽ được mà vẽ cái gì, vẽ như thế nào và vẽ ở đâu cũng phải được tính toán. Cũng có những nơi không cần thiết những bức vẽ như thế, nếu vẽ sẽ làm phá hỏng không gian ở đó thì cũng không được phép vẽ.