Lãi suất giảm sâu, tiền 'chảy' vào đâu?
Những ngày qua, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, đặc biệt với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Điều đó cho thấy, lãi suất huy động vẫn tiếp tục xu hướng hạ nhiệt. Câu hỏi đặt ra là: Dòng tiền sẽ được chảy vào kênh đầu tư nào trong những tháng cuối năm?
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu tháng 9 đến nay, đã có19 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Trong đó, ACB, Techconbank, Eximbank và GPBank đã có 2 lần giảm lãi suất.
Lãi suất tiếp tục hạ nhiệt
Mới đây, Vietcombank và Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất 0,2 - 0,3% với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Biểu lãi suất tại quầy của 2 ngân hàng quốc doanh này tính đến ngày 14/9 tương tự nhau. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên ở mức 3%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3% về 3,5%; kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2% về 4,5%. Khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5,8% xuống còn 5,5%.
So với đầu năm, lãi suất huy động tại Vietcombank và Agribank đã giảm 1,5-2%. Tính tới thời điểm hiện tại, Vietcombank và Agribank là 2 ngân hàng thương mại có lãi suất huy động thấp nhất trên hệ thống, giảm về gần tương đương giai đoạn lãi suất thấp kỷ lục vì Covid-19. Trước đó, một số ngân hàng như ACB, Eximbank, ABBank đã ghi nhận mức lãi suất ngang bằng hoặc thấp hơn cả nhóm Big4.
Còn tại BacABank, lãi suất huy động sẽ giảm từ 0,25 - 0,3%/năm đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Với kỳ hạn từ 13 tháng, lãi suất cao nhất tại BacABank đã giảm từ 6,65%/năm xuống 6,4%/năm, áp dụng với số dư gửi tiền trên 1 tỷ đồng; dưới 1 tỷ đồng, lãi suất cao nhất chỉ còn 6,2%/năm. Cùng với điều kiện về số dư trên 1 tỷ đồng, BacABank áp dụng lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn 6 - 8 tháng; 6,25%/năm cho kỳ hạn 9 - 11 tháng và 6,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Đối với doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, đây là tín hiệu tốt, song đối với những nhà đầu tư, những người có tiền nhàn rỗi, thì đây lại là thách thức khi tìm kiếm kênh đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, từ thời điểm này cho đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.
Dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiết kiệm sẽ về vùng 6-6,5% do cầu tín dụng yếu bởi suy thoái kinh tế kết hợp yếu tố thị trường bất động sản ảm đạm. Ngoài ra, việc Chính phủ sẽ tiếp tục "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy đầu tư công khiến Ngân hàng Nhà nước còn khá nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành.
Tiền chảy vào kênh đầu tư nào?
Một điểm dễ nhận thấy trong thời gian gần đây là lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh. Sự tăng trưởng của dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán phản ánh phần nào sức nóng của thị trường. Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay margin của 10/10 công ty chứng khoán có thị phần cho vay margin lớn nhất đều tăng, với tổng mức tăng gần 24% so với đầu năm.
Cùng với đó diễn biến trên thị trường chứng khoán (TTCK) cũng đang tăng trưởng với thanh khoản nhiều phiên đạt 25.000 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất đã và đang giảm quay trở lại sẽ giúp hỗ trợ kết quả kinh doanh các DN cũng như kích thích dòng tiền tham gia TTCK. Thống kê số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7 đạt hơn 150 nghìn tài khoản (cao nhất trong 1 năm gần đây). Một số DN niêm yết trên TTCK cũng đã được hưởng lợi dòng tiền này.
Vừa thực hiện đáo hạn quyển sổ tiết kiệm hơn 400 triệu đồng tại chi nhánh ngân hàng SCB, ông Nguyễn Bốn Bảy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm này năm ngoái lãi suất tiền gửi là 8 chấm, bây giờ lãi suất xuống thấp còn 6,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh song theo ông Bảy, với người cao tuổi như ông ,gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhất.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Long (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa được nhận được khoản tiền thưởng hơn 120 triệu đồng từ công ty nên đổ ngay vào kênh chứng khoán. “Đợt này nhiều nhà đầu tư kiếm được kha khá từ chứng khoán. Nên tôi cũng tính sẽ “tất tay” vào kênh này, hy vọng cuối năm cũng dôi dư ra được khá hơn gửi tiết kiệm” – anh Long chia sẻ.
Theo nhận định của ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS, cổ phiếu đang là kênh hấp dẫn hơn cả. “Các TTCK trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… và một số thị trường khác đều có đà tăng tích cực. Kênh cổ phiếu đang hấp dẫn nhất so với các kênh đầu tư khác” - ông Khánh nói, đồng thời phân tích: Tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động của DN chưa thực sự hồi phục, theo đó thị trường chứng kiến dòng tiền tìm tới các kênh tăng trưởng tốt hơn, nhất là chứng khoán.
Theo nguyên lý chung, lãi suất tăng thường gây ra tâm lý cẩn trọng và phòng thủ trên TTCK. Khi mặt bằng lãi suất tăng lên một mức độ nào đó thì TTCK sẽ giảm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Vì vậy, TTCK sẽ tích cực khi lãi suất vận động ở chiều ngược lại. Hiện lãi suất đang ở vùng thấp nên kích thích dòng tiền chảy về kênh này.
Trên thực tế, TTCK đã có những chuỗi ngày tăng điểm rất mạnh. Số liệu cập nhật ngày 15/9 VN-Index đóng cửa tăng 3,55 điểm, lên mức 1.227,36 điểm.
Tuy vậy, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, hiện tại, Fed mới chỉ hàm ý tạm ngưng chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này không có nghĩa là sẽ chuyển sang nới lỏng. Lạm phát của Mỹ vẫn còn cao sau giai đoạn bơm tiền “trực thăng” và lệnh cấm xuất khẩu gạo mà nhiều nước đưa ra mới đây có thể kích hoạt lạm phát toàn cầu tăng trở lại khiến Mỹ phải thận trọng.
Trong khi đó, TTCK Việt Nam đã tăng khá xa so với kỳ vọng, nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba lần từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh vĩ mô chưa cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thị trường tăng một mạch hầu như không có đợt điều chỉnh nào trong những tháng gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Do đó, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư giảm dư nợ margin, giảm nắm giữ “hàng nóng”.
Còn với thị trường bất động sản (BĐS) thì sao? Thị trường BĐS vừa trải qua khủng hoảng, mặc dù thị trường dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay và đã trải qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng các DN cho biết, dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại khi lực cầu yếu.
Với BĐS, chị Lê Phương Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Điểm sáng của thị trường BĐS là một số phân khúc đã phục hồi nhẹ sau một thời gian dài đóng băng. Tôi thấy, hiện nay, các kênh đầu tư đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định nhưng BĐS vẫn được xem là sản phẩm đầu tư dài hạn và mang lại lợi nhuận cao, an toàn hơn cả.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến nghị: Đầu tư gì, ở đâu, đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là phải sinh lời, an toàn vốn và kênh đầu tư phải có tính thanh khoản. Còn TS Cấn Văn Lực nhận định, sớm nhất phải đến đầu năm 2024, thị trường BĐS mới phục hồi. Sở dĩ BĐS phục hồi chậm là do nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu (nhu cầu vay mua nhà giảm), thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn…
So sánh các kênh đầu tư trong giai đoạn hiện tại, giới chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận dù đã rục rịch ấm lên, song nhà đầu tư chỉ nên nhắm đến phân khúc phục vụ nhu cầu thật, có hạ tầng kèm theo, bởi đây là phân khúc có thanh khoản tốt nhất thời điểm này.
Đối với kênh đầu tư ngoại tệ và vàng, các chuyên gia cho rằng, hiện tại, biến động thị trường ở mức thấp, NHNN duy trì chính sách giữ tỷ giá ổn định, theo đó khả năng sinh lợi của các tài sản này không cao. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2023 giảm 9%, từ 14 tấn vào quý II/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý II/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý II/2023.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank: Thanh khoản thị trường chứng khoán đã tăng cao trở lại với mức 1 tỷ USD/phiên trở lên và vẫn có xu hướng đi lên do có khá nhiều thông tin tích cực. Khi lãi suất ngân hàng xuống thấp nên nhiều người muốn tìm kiếm kênh đầu tư khác với mức sinh lời hấp dẫn hơn.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với những người trẻ, khi mặt bằng lãi suất giảm, cơ cấu danh mục có thể ưu tiên các kênh đầu tư rủi ro nhưng với người cao tuổi, họ vẫn luôn ưu tiên các kênh đầu tư an toàn như kim loại quý, tiền gửi ngân hàng.