TP HCM: Thu phí lòng đường, hè phố từ tháng 1/2024
Sáng ngày 16/9, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM Trần Quang Lâm cho biết, trong quá trình nghiên cứu đề án, sở GTVT TP HCM đã nghiên cứu, xây dựng Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM, triển khai lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị và nhân dân.
Hôm nay, sở GTVT TP HCM chính thức trình UBND TP HCM phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, trong quá trình nghiên cứu đề án, Sở GTVT TP HCM đã nghiên cứu, xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM, triển khai lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị và nhân dân thông qua việc đăng tải toàn văn dự thảo đề án, dự thảo nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của Sở GTVT và gửi công văn lấy ý kiến của các sở ngành, đơn vị có liên quan và 23 Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; đề xuất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức Hội nghị phản biện với sự tham dự của 146 đại biểu (trong đó có các đại biểu đến từ các Hội luật gia, Mặt trận Tổ quốc phường, đại biểu hộ dân lại các các địa phương trên toàn TP HCM). Các đơn vị và nhân dân được lấy ý kiến đồng thuận cao.
Căn cứ theo quy định về sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của UBND TP HCM quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM quy định: Có 9 trường hợp được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố: Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; Điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe; Điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; bố trí đường dành cho xe đạp; tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu phí.
Có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời lòng đường: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
Lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông. Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp nêu trên phải bảo đảm các nguyên tắc: không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 mét; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông; phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.
Do đó, tuân thủ quy định tại Luật giao thông đường bộ, Luật phí và lệ phí và để có đủ cơ sở triển khai thực hiện quy định tại Quyết định 32/2023/QĐ-UBND TP HCM, hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý trật tự lòng đường, hè phố thì việc xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM là một trong những giải pháp cần thiết, góp phần lập lại trật tự xã hội, mỹ quan đô thị hướng đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn chỉnh các văn bản pháp lý, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Nhằm hoàn chỉnh các quy định trong quản lý Nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường đô thị; có cơ sở khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đặc thù đô thị TP HCM; Đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của UBND TP HCM và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước).
Các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời hè phố để tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của UBND TP HCM và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong 1 tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong 1 tháng thì tính 1 tháng. Đơn vị ngày được tính là việc sử dụng lòng đường, hè phố trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày (không nhất thiết đủ 24 giờ). Mức thu phí làm tròn đến chục ngàn đồng để thuận tiện cho công tác thu phí.
Khu vực 1, gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam TP HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bao gồm: Các tuyến đường Trung tâm, tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn 36.812.169 đồng/m2. Các tuyến đường còn lại: là các tuyến đường có giá đất thấp hơn 36.812.169 đồng/m2.
Khu vực 2, gồm: Quận 2 (nay thuộc Thành phố Thủ Đức) (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, Quận 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố), Quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân, bao gồm: Các tuyến đường Trung tâm: là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.296 đồng/m2. Các tuyến đường còn lại: là các tuyến đường có giá đất thấp hơn 13.659.296 đồng/m2.
Khu vực 3, gồm: Quận 8, Quận 9 (nay thuộc Thành phố Thủ Đức), Quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc Thành phố Thủ Đức), quận Tân Phú, quận Gò Vấp, bao gồm: Các tuyến đường Trung tâm: là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn 8.524.113 đồng/m2. Các tuyến đường còn lại: là các tuyến đường có giá đất thấp hơn 8.524.113 đồng/m2.
Khu vực 4, gồm: Huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, bao gồm: Các tuyến đường Trung tâm: là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn 4.013.724 đồng/m2. Các tuyến đường còn lại: là các tuyến đường có giá đất thấp hơn 4.013.724 đồng/m2.
Khu vực 5, gồm huyện Cần Giờ, bao gồm: Các tuyến đường Trung tâm: là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn 912.000 đồng/m2. Các tuyến đường còn lại: là các tuyến đường có giá đất thấp hơn 912.000 đồng/m2.
Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí: Sở GTVT tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở GTVT TP HCM quản lý. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
Sử dụng nguồn thu, toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố. Khi xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước hàng năm, các đơn vị thu phí căn cứ các quy định và phân cấp ngân sách hiện hành để xây dựng dự toán kinh phí phục vụ công tác thu phí gửi Sở Tài chính cân đối, tham mưu UBND TP HCM bố trí dự toán kinh phí thực hiện theo quy định.
Đề án này, sau khi được Hội đồng nhân dân TP HCM ban hành Nghị quyết, UBND TP HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, theo đó phân công các công việc cụ thể cho các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch, kịp thời và đồng bộ trên địa bàn thành phố.
Thời gian thu phí dự kiến: Từ 0h ngày 1/1/2024. Trong qua trình thực hiện, phải tuân theo quy định Luật Giao thông đường bộ; Tuân theo quy định Luật phí và lệ phí. Việc tổ chức thu phí và sử dụng nguồn thu phí đảm bảo công khai minh bạch, đúng quy định.