Đau mắt đỏ lây lan mạnh
Trong 1 tháng trở lại đây, nhiều địa phương số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có thống kê đầy đủ về tình hình bệnh đau mắt đỏ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, song thời điểm bước vào năm học mới dịch rất dễ lây lan.
Tại Hà Nội, bác sĩ Hoàng Cương - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Mắt trung ương) cho biết, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Riêng tuần vừa qua là 800 ca. Môi trường ô nhiễm khói bụi kèm theo môi những đợt mưa giông, chuyển mùa là những yếu tố gia tăng bệnh đau mắt đỏ. Đáng chú ý, khi mới bước vào năm học mới, khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được đưa đến khám. Nhiều em rơi vào tình trạng hai mắt sưng húp, nguy cơ biến chứng cao.
Tại Đà Nẵng, từ ngày 1 - 11/9 có 22.444 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có 11.572 trẻ em, chiếm 51,5%. Số trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% được chẩn đoán bị đau mắt đỏ. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Nha Trang (Khánh Hòa), tháng 8/2023, bệnh viện ghi nhận 1.472 ca đau mắt đỏ. Từ ngày 1-10/9, bệnh viện tiếp nhận 825 ca với 456 trẻ dưới 15 tuổi, chiếm 55%.
Còn tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận 71.740 trường hợp đau mắt đỏ đến các bệnh viện khám. Đáng chú ý, trong số các ca mắc có khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học… Theo Sở Y tế TPHCM, trong ngày 13/9 ghi nhận 3.954 ca đau mắt đỏ. Những ngày trước, số ca bệnh cũng xấp xỉ mức này, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn, với khoảng trên 2.000 trường hợp mỗi ngày. Nhiều học sinh phải nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm do đau mắt đỏ.
Cũng tình trạng này, tại thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), bệnh đau mắt đỏ lây lan tại nhiều trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 12/9, có 37/41 trường với tổng số 543 lớp, trên 1.920 học sinh thuộc các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố bị đau mắt đỏ. Tương tự, trong những tuần đầu tiên đến trường, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có hơn 180 em học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, chiếm 17% tổng số học sinh…
Theo ThS. BS Lê Việt Cường - Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị, người bệnh đau mắt đỏ không cần kiêng trong chế độ ăn uống. Bởi đây là bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra. Chỉ cần lưu ý chế độ sinh hoạt để tránh lây lan cho người lành. Hiện nay chưa có phương pháp nào giúp triệu chứng giảm nhanh hơn hoặc rút ngắn thời gian diễn biến bệnh. Do vậy bệnh nhân bị đau mắt đỏ do Adeno virus cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà từ 7-10 ngày, chườm lạnh giúp mắt giảm sưng, giảm khó chịu ở mắt. Những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng.
Biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm.