Sách giả - virus bào mòn văn hóa đọc

LAN DUNG 17/09/2023 07:28

Sách giả, sách lậu lâu nay đã trở thành vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Ở thời điểm này, sách giả, sách lậu vẫn là một trong những vấn nạn gây bức xúc đối với những người làm xuất bản chân chính. Điều đáng ngại hơn, sách giả ngày một tinh vi, bán công khai, giống như một thứ virus, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng.

Sách giả ngày ngày tinh vi và công khai. Trong ảnh, những tựa sách bị làm giả của First News - Trí Việt.

“Những tên cướp” xuất hiện ở nhiều nơi

Cuối tuần qua (ngày 15/9), tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), nhiều chuyên gia đã chia sẻ những nhận xét có thể nói là “ít điểm sáng” về bức tranh sách lậu, sách giả.

Tại hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng vừa qua, bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc NXB Trẻ - cung cấp số liệu nghiên cứu của Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số, đứng thứ nhất về đầu người (khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp), làm thất thoát khoảng 348 triệu USD.

Theo bà Hà, có 3 hình thức vi phạm bản quyền chính trên mạng. Một là sao chép các nội dung, sau đó đăng tải trên website, mạng xã hội. Nhiều độc giả có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền này, do có nhiều website lậu, diễn đàn cung cấp với giá rẻ, thậm chí miễn phí.

Hai là bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Giá sách giả được bán chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 sách thật. Ngoài thiệt hại tới các đơn vị xuất bản, độc giả cũng mua phải sản phẩm kém chất lượng, nhiều lỗi sai. Do sách được bán online, độc giả nhận rồi mới phát hiện.

Ba là livestream theo hình thức tóm tắt, đánh giá (review) sách. Theo thông lệ, việc quảng cáo chỉ được sử dụng khoảng 10% nội dung tác phẩm, nhưng nhiều người đã đọc toàn bộ nội dung sách nhằm tăng tương tác.

Không phải là “chuyện riêng” của Việt Nam, vấn nạn sách giả cũng là câu chuyện đáng bàn của ngành xuất bản Indonesia. Ông Arys Hilman Nugraha - Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia, cho biết: “Thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi đối với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các nhà xuất bản sách. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp”. Năm 2019, 11 nhà xuất bản thuộc Ikapi báo cáo sách bị vi phạm bản quyền, thiệt hại lên tới 7,5 triệu USD. Con số thiệt hại thực tế chắc chắn còn lớn hơn khi số lượng thành viên Ikapi năm đó là khoảng 1.600.

Còn ông Atty. Dominador D. Buhain - Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines, cho biết tại Philippines, “những tên cướp” - những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp - đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.

Trở lại với thực trạng sách lậu, sách giả tại Việt Nam. Các đối tượng “sống bằng sách lậu” không ngừng bàn mưu tính kế để móc nối in ấn, phát hành sách giả, sách lậu. Không chỉ bày bán công khai tại một số nơi, sách giả bước vào cả thư viện trường học. Thậm chí họ còn ngang nhiên quảng cáo, bán sách lậu, sách giả kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt là khi nhiều người tiêu dùng có thói quen mua sách qua mạng sau mấy năm dịch bệnh Covid-19, thì các đối tượng bán sách giả, sách lậu càng được thể tung hoành. Có thời điểm, một số đơn vị xuất bản chính thống đã phải liên kết nhau lại và lập hồ sơ tới gần 50 địa chỉ facebook bán sách giả. Đáng ngại hơn, sách giả, sách lậu còn được bán công khai cả những sàn thương mại điện tử như Lazada.

Công ty sách First News - Trí Việt là thương hiệu có nhiều đầu sách nổi tiếng, bán chạy bị làm giả hàng loạt và phát hành công khai ở Hà Nội cũng như khắp các tỉnh thành và đưa lên hàng trăm fanpage, sàn thương mại điện tử. First News đã lập hàng chục vi bằng chính thức nộp đơn khởi kiện Lazada - Alibaba. Các đầu sách bị làm giả của đơn vị này đã lên tới hàng trăm tựa sách. Trong đó hầu hết là những tác phẩm nổi tiếng, được bạn đọc yêu thích, như: "Muôn kiếp nhân sinh", "Hành trình về Phương Đông", bộ sách "Hạt giống tâm hồn", "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "Nghĩ giàu - làm giàu", "Đi tìm lẽ sống"... Đại diện First News - Trí Việt từng “tiết lộ”: Có lần, đơn vị thử đặt một cách ngẫu nhiên 172 đơn hàng mua sách giảm giá hơn 50% trên Lazada và các trang mạng bán hàng khác, thật đau lòng là khi mở ra thì tất cả đều là sách giả.

Bên cạnh đó, nhiều đầu sách bán chạy khác của các đơn vị xuất bản, phát hành như Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục Việt Nam; Nhã Nam, Tân Việt, Đông A… đều bị in lậu, làm giả. Các đối tượng thường nhằm vào những cuốn sách đang bán chạy, hoặc các tựa sách có thể bán lâu dài để làm lậu. Ví dụ như bộ sách “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bản dịch tiếng Việt bộ sách của nhà văn Mario Puzo - tác giả “Bố già”, hay những tựa sách bán chạy như: “Nhà giả kim”, “Cây cam ngọt của tôi”, “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”…

Ông Nguyễn Văn Phước - Tổng Giám đốc First News - Trí Việt từng tỏ ra ngao ngán: “Một cuốn sách thật muốn được xuất bản phải trải qua hàng chục khâu kiểm duyệt chặt chẽ mới được in, phát hành - còn sản xuất, phát hành sách giả ở Việt Nam sao quá dễ dàng?”.

Bộ sách “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bị làm giả.

Để sách giả không trở thành “quốc nạn”

Tại hội thảo quốc tế vừa đề cập ở trên, đại diện cho các nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - người có những đầu sách bị in lậu trong vòng 20 năm qua, ví rằng sách giả, sách lậu “như căn bệnh mãn tính, từng ngày làm mưng mủ tâm hồn bạn đọc và hủy hoại những gì tốt đẹp nhất mà các nhà văn hóa, các nhà giáo dục muốn đem lại cho đời sống tinh thần của con người”.

Theo mức độ lộng hành của sách giả, sách lậu, dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là "quốc nạn". “Nó giống như một thứ virus, một thứ dịch bệnh bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng”, nhà văn nói, đồng thời cho rằng, nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa nói riêng. “Việc dẹp được tệ nạn này sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm của Nhà nước trong việc trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói thêm.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nếu muốn giúp trẻ em thích đọc sách, trước khi nói đến những kế sách cao xa, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tạo ra môi trường lành mạnh để các em được mua và đọc sách thật. Chúng ta không thể xây dựng văn hóa đọc bằng cách để phát tán ngày càng nhiều sách giả, sách lậu, sách vi phạm bản quyền, vi phạm luật pháp, vi phạm các công ước quốc tế. Văn hóa đọc không thể xây dựng trên nền tảng phản văn hóa.

Trao đổi với truyền thông, ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử WAKA cũng cho rằng, những xuất bản phẩm giả sẽ dẫn tới sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng nói chung. Theo ông Hoàng, sách lậu đánh vào tâm lý ham rẻ và sẵn sàng mua sách giả, xuất bản phẩm giả với chuẩn chất lượng thấp hơn, dần tạo thói quen coi thường chất xám và công sức của các tác giả, NXB. Người đọc sách giả, sách lậu về lâu dài sẽ dễ dàng chấp nhận sự kém chất lượng, kể cả những lỗi sai về hình thức tới nội dung - do tâm lý “tiền nào của nấy”, từ đó vô hình chung sẽ tự hạ thấp thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức của bản thân.

Nhưng rõ ràng, không thể đổ lỗi cho độc giả. Cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc độc giả phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Bởi một khi các đối tượng xấu muốn trục lợi từ việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả thì họ sẽ nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để thu hút độc giả, đánh vào tâm lý thích mua sách “sale off”, sách đồng giá, sách thanh lý... Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chỉ có các cơ quan chức năng quản lý về kinh tế và văn hóa mới có đủ công cụ để trấn áp vấn nạn này, bởi vì không ai có thể "chống giặc bằng tay không". “Tôi hy vọng các nhà thực thi luật pháp nghiêm minh hơn và các nhà làm luật cần phải rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ sức răn đe”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, câu chuyện “sách giả, sách lậu” đã tồn tại hơn 30 năm nay. Tuy nhiên thời gian gần đây, dựa trên công nghệ và các nền tảng xuyên quốc gia, ngành xuất bản vẫn tiếp tục đau đầu với thực trạng sách giả, sách lậu.

Ông Nguyên thừa nhận, hiện nay, đang có khoảng trống nhất định về mặt pháp lý, thêm vào đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng đấu tranh với sách giả, sách lậu.

Trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1, chắc chắn Hội Xuất bản Việt Nam sẽ là một trong những thành viên tích cực để tiến tới sửa đổi Luật Xuất bản.

LAN DUNG