Từ vụ cháy ‘chung cư mini’ ở Hà Nội: Lấp lỗ hổng quản trị đô thị
Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) gây thiệt hại nghiêm trọng và sẽ còn để lại nỗi đau dai dẳng. Hiện Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các sở, ngành tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng phải được coi là mệnh lệnh, và phải được làm thường xuyên, liên tục.
Ở góc độ quản trị đô thị, theo KTS Phạm Thanh Tùng chúng ta phải kiểm tra, giám sát thật tốt khâu xây dựng chung cư, phải có báo cáo hoàn công. Đừng có kiểu phạt rồi cho tồn tại, hoặc "lợi ích nhóm" để làm ngơ.
PV: Nhìn từ góc độ quy hoạch đô thị của Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về loại hình chung cư mini được xây dựng nhiều tại các đô thị tập trung đông dân cư trong thời gian qua?
KTS PHẠM THANH TÙNG: Trong các văn bản về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng không có khái niệm “chung cư mini”, mà chỉ có nhà chung cư. Thực chất, cái mà chúng ta đang gọi là “chung cư mini” chính là loại hình nhà ở riêng lẻ, do cá nhân/hộ gia đình được cấp phép xây dựng, nhưng tự ý cải tạo để có từ hai căn hộ trở lên, khép kín, diện tích mỗi căn hộ thường 30m2. Còn để xây dựng chung cư thì phải lập dự án, phải tuân thủ rất chặt chẽ các quy định của pháp luật như về mật độ xây dựng, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy… phức tạp hơn rất nhiều xây nhà ở riêng lẻ. Vì thế người ta mới đánh tráo khái niệm khi từ nhà ở thành cái gọi là chung cư mini.
Từ năm 2010 trở lại đây, loại hình nhà ở đơn lẻ bị “xóa sổ”, sửa chữa thành chung cư mini diễn ra khắp nơi, không chỉ để cho thuê, các căn hộ mini này còn được rao bán rầm rộ. Điều đáng nói, các chung cư mini thường ở các khu vực dân cư đông đúc, thuộc các quận trung tâm thành phố, ngõ ngách rất nhỏ, hẹp, ngoằn nghèo, hạ tầng kỹ thuật yếu kém nhưng lại gần chợ, gần trường học, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người nghèo, dân nhập cư, sinh viên thuê… Do nằm trong ngõ ngách nên đi lại khó khăn, hay xảy ra ùn tắc. Vấn đề phòng cháy, chữa cháy cũng gặp khó khăn do xe chữa cháy, xe cứu thương không vào được. Trong quy hoạch đô thị hiện nay, hầu như mới chỉ quan tâm quy hoạch đường phố và các khu đô thị mới, mà ít quan tâm đến quy hoạch cải tạo các khu vực sau đường phố, không mở rộng ngõ ngách để bảo đảm an toàn giao thông, thuận tiện đi lại. Có thể nói các con ngõ bị bỏ quên.
Thêm nữa, khi nhà ở riêng lẻ biến thành chung cư, xây dựng sai phép, đã làm tăng dân số ở khu vực đó, kéo theo nhiều hệ lụy. Dân số tăng tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, cấp điện, cấp nước, môi trường sống bị ô nhiễm, đi lại khó khăn, công tác bảo đảm vệ sinh không tốt. Chúng ta muốn giãn dân, nhưng chưa giãn được mà thực tế chung cư mini đang nhồi nhét người dân vào nội đô.
Loại hình này có được quản lý trong Luật Xây dựng không, thưa ông? Tức là có quy định, áp dụng những tiêu chuẩn xây dựng riêng, rồi công tác phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm?
- Luật Xây dựng 2014 không đề cập đến cái gọi là “chung cư mini” mà chỉ có nhà ở riêng lẻ. Nhưng tại một số văn bản có đề cập tới như tại Nghị định 71, quyết định số 24/2014/QĐ-UBND TP Hà Nội. Nếu chung cư mini đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật thì người mua sẽ được cấp sổ hồng sở hữu riêng cho căn hộ mua và quyền sử dụng chung đối với diện tích đất xây dựng tòa chung cư này. Còn theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, việc mua bán có thể được thực hiện hoặc không. Nếu được thực hiện, người mua sẽ không sở hữu riêng từng căn hộ, mà toàn bộ người mua sẽ có quyền sở hữu chung đối với các căn hộ trong tòa chung cư và diện tích đất xây dựng. Trước khi được mua bán theo hai hình thức trên, chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo Điều 93 của Luật Xây dựng 2014. Và tất nhiên, phải tuân thủ điều kiện phòng, chống cháy nổ.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy. Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua đã cho thấy công tác cấp phép, quản lý xây dựng tại đô thị đang rất có vấn đề. Chúng ta có Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy và chữa cháy. Rồi còn rất nhiều thông tư nghị định, nhưng năng lực quản lý, quản trị đô thị yếu kém. Trước đây đã có nhiều khuyến cáo về việc phải đưa chung cư mini vào kiểm soát từ thiết kế đến thẩm định nhưng vẫn có sự buông lỏng.
Có ý kiến cho rằng, nên tạm dừng cấp phép đối với chung cư mini, ý kiến của ông là gì?
- Nếu người ta có đủ điều kiện về tất cả các khâu như về quy hoạch, mật độ xây dựng, phòng chống cháy nổ… thì không nên cấm, bởi nó đáp ứng phần nào nhu cầu có thật của người có thu nhập thấp về chỗ ở. Hiện nay giá nhà chung cư quá cao, người nghèo, người có thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận. Trong khi đó chính sách nhà ở xã hội chưa đi vào cuộc sống. Gọi là nhà ở xã hội nhưng giá vẫn cao, cùng với đó là thủ tục rườm rà và phức tạp.
Tôi không khuyến khích xây dựng chung cư trong các ngõ ngách, mà nó phải được xây dựng, quy hoạch ở nơi có điều kiện hạ tầng cho phép, thuận lợi cứu nạn, cứu hộ, được tổ chức tư vấn có uy tín lập dự án thiết kế hợp lý đảm bảo các quy định của pháp luật về xây dựng, trong đó có phòng cháy nổ.
Vậy đối với những chung cư mini hiện hữu, phải tu sửa như thế nào để không xảy ra những hiểm họa tương tự, thưa ông?
- Những chung cư đó đã được chủ công trình bán rồi, nhưng trách nhiệm vẫn còn. Bây giờ, các chung cư đó phải bầu ra ban quản trị, đóng góp tiền, vận động hoặc “tìm lại” chủ đầu tư nữa để thống nhất, sửa chữa và đầu tư thiết bị báo cháy, báo khói, thiết bị dập lửa và xây thang thoát hiểm. Người dân cũng phải tự trang bị các trang thiết bị phòng chống cháy, chống khói như mặt nạ chống độc, bình cứu hỏa mini, thang dây… Nơi nào có thể mở rộng ngõ thì phải mở rộng để khi có chuyện chẳng lành dễ dàng cho xe ứng cứu. Hiện Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các sở, ngành tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Theo tôi, chỉ đạo của Thủ tướng phải được coi là mệnh lệnh, và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Từ vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở phố Khương Hạ, theo ông cần thiết phải có những biện pháp đồng bộ như thế nào? Phải làm sao để không chỉ chung cư mini, mà hạn chế được cả cháy nổ ở chung cư cũ, hay nhưng khu chợ…?
- Trước hết, ta phải nâng cao trách nhiệm khi lập quy hoạch. Đừng chỉ nhăm nhăm quy hoạch mặt phố. Mặt phố đắt đỏ, đẹp đẽ nhưng sau mặt phố là cả một xã hội, có hàng triệu người dân đang ở. Vụ cháy vừa rồi cứu hộ, cứu nạn vô cùng khó khăn bởi ngõ vào nhỏ. Cho nên ngõ phải mở rộng tối thiểu 4m bảo đảm xe cứu hỏa có thể đi vào khi có sự cố. Không thể chấp nhận đến thế kỷ 21 rồi, đô thị hiện đại rồi mà xe cứu hỏa không với tới được những nhà gặp nạn, mà phải kéo dây 300-400m để chữa cháy, mất rất nhiều thời gian. Thảm họa vừa rồi là bài học rất đắt cho chính quyền đô thị, từ thành phố đến xã, phường. Vấn đề phát triển đô thị cũng đã được đề cập trong nghị quyết của Đảng. Phát triển đô thị phải bền vững, phải lấy người dân làm trung tâm, đề cao lợi ích của nhân dân, người dân được quyền sống trong một đô thị an toàn, bảo đảm an sinh xã hội và hạnh phúc.
Ở góc độ quản trị đô thị, chúng ta phải kiểm tra, giám sát thật tốt khâu xây dựng chung cư, phải có báo cáo hoàn công. Mỗi xã phường có một hay hai cán bộ địa chính, ở quận có đội ngũ thanh tra nếu người ta làm sai phải phạt nghiêm khắc. Đừng có kiểu phạt rồi cho tồn tại, hoặc "lợi ích nhóm" để làm ngơ.
Đối với tất cả các chung cư kể cả chung cư mini, cần đánh giá lại công tác bảo đảm phòng, chống cháy nổ. Theo tôi, ở tầng hầm của tất cả các tòa nhà đều có nguy cơ cháy nổ rất cao vì đó là nơi để ô tô, xe máy. Có nhiều nguyên nhân, do ý thức của người dân, do cơ sở vật chất, do trách nhiệm của chủ đầu tư… Vì thế cần tăng trách nhiệm của chính quyền, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng trong phòng, chống thảm họa, quản trị đô thị.
Còn về chung cư cũ, không chỉ nguy cơ cháy nổ, mà còn dễ sập đổ. Các cấp chính quyền phải quan tâm, mau chóng có biện pháp cải tạo, hoặc xây chung cư mới. Có điều, ta phải làm đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên và liên tục. Không nên chỉ làm rầm rộ sau mỗi vụ cháy, rồi để chìm vào quên lãng. Phải luôn có các kịch bản phòng, chống những nguy cơ thảm họa tác động đến sự phát triển bền vững, an toàn của đô thị.
Trân trọng cảm ơn ông!