Để học thêm không trở thành gánh nặng - Bài 1: Nghịch lý cấm và quản

Hương Lê 18/09/2023 07:00

Ngay vào đầu năm học mới 2023 - 2024, học sinh các cấp đã phải học thêm tại trường. Ở nhiều nơi, hình thức học thêm tự nguyện kiểu “ép buộc” đang trở nên phổ biến. Học thêm xuất phát từ nhu cầu của một số ít gia đình, giờ đây đang trở thành nỗi ám ảnh, gánh nặng với nhiều phụ huynh. Giải pháp nào để hạn chế biến tướng dạy thêm, học thêm? Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết sẽ đăng tải loạt bài: Để học thêm không trở thành gánh nặng.

Chương trình GDPT 2018 chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Vì thế, nên giảm bớt học thêm, dạy thêm.

3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và sách giáo khoa (SGK) mới, nhưng vẫn rất khó hạn chế được việc dạy thêm, học thêm. Chế tài xử phạt vẫn còn để ngỏ, nên “quản” dạy thêm, học thêm thế nào vẫn là một câu chuyện dài.

Siết nửa vời…

Vào đầu năm học mới 2023 - 2024, ghi nhận tại nhiều trường học ở Hà Nội cho thấy, học sinh bậc THCS phải học thêm gần như kín cả tuần. Tại Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai), học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 hiện phải học thêm 2 chương trình. Một chương trình do nhà trường tổ chức, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh viết “Đơn xin học thêm” để nộp (tổ chức học vào các buổi chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần); một chương trình học thêm khác do giáo viên chủ nhiệm cùng các giáo viên bộ môn đứng ra tổ chức (thường là 3 môn Toán, Văn, Anh), học vào các chiều thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Như vậy, nếu tham gia đầy đủ cả 2 chương trình học thêm nói trên, học sinh chỉ được nghỉ duy nhất ngày Chủ nhật trong tuần.

Trước đó, ngay sau khi học sinh cả nước kết thúc chương trình năm học 2022 - 2023, nhiều địa phương ra thông báo cấm các trường tổ chức dạy thêm dịp nghỉ hè. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội yêu cầu các trường phổ thông trong thời gian nghỉ hè không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023 - 2024. Các đơn vị giáo dục cũng không được dạy trước cho trẻ mầm non 5 tuổi vào lớp 1. Thời gian tựu trường cho học sinh trong năm học mới 2023 - 2024 thực hiện theo đúng chỉ đạo khung thời gian năm học của Bộ GDĐT đã quy định.

Hải Phòng cũng đã ra văn bản yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục nghiêm cấm dạy học hè từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/8 ở mọi cấp học. Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang, Nghệ An… cũng chỉ đạo các trường học tuyệt đối không được tổ chức dạy học hè. Các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh chỉ được thực hiện sau ngày tựu trường năm học 2023 - 2024.

Dẫu thế, văn bản cấm cứ cấm, còn dạy và học thêm vẫn diễn ra ở các cấp học. Sau 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều thầy cô trực tiếp đứng lớp có cùng nhận xét, chương trình mới, tài liệu giảng dạy có phần phong phú đa dạng về hình thức, nội dung kiến thức, giúp giáo viên và học sinh có nhiều kênh thông tin hơn khi thực hiện một chương trình một bộ SGK (2006). Nhưng việc dạy thêm, học thêm vẫn theo nếp cũ, không những khó hạn chế mà còn biến tướng đa dạng hơn. Tại sao lại như vậy? Thầy giáo Bùi Văn Quyết, giáo viên dạy Tin học - Trường THCS Phù Cừ (Hưng Yên) nhận định, hiện nhiều thầy cô còn "chậm" trong việc đổi mới, kiểm tra, đánh giá học sinh. Cùng với đó, nhiều phụ huynh than phiền, dù không muốn cũng phải cho con đi học thêm, nếu không, khó có thể vượt qua các bài kiểm tra nặng về lý thuyết trên lớp.

Lệnh cấm vẫn trên giấy

Cho dù, nhiều văn bản cấm giáo viên dạy thêm được cơ quan quản lý ban hành, nhưng biện pháp quan trọng nhất là kiểm tra, phát hiện và xử lý thì xem ra vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này dẫn tới thực trạng chuyện dạy thêm, học thêm không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý mà còn gây nỗi bức xúc cho phụ huynh.

Năm 2019, Bộ GDĐT công bố Quyết định 2499 điều chỉnh Thông tư 17/2012 và coi đây như một văn bản cấm dạy thêm, học thêm trái phép. Thế nhưng, dạy thêm “được phép” lại là câu chuyện gây tranh cãi bởi ngay Thông tư này quy định còn thiếu rõ ràng.

Tại Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 4/2023, ở lĩnh vực giáo dục, mức chi bình quân 1 năm cho 1 người đi học là 7 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là chi học thêm chiếm một tỉ trọng khá lớn, tới 16,6%.

PSG.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đã có Thông tư 17 quy định rất rõ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Cụ thể là không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, tránh chuyện giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh lớp mình. Cũng theo ông Thành, hiện nay, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh muốn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng là nhu cầu chính đáng nên việc dạy thêm, học thêm là yêu cầu khách quan của cuộc sống. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng có quy định các trường hợp không được dạy thêm. Cụ thể, các trường hợp đó gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống).

Nhưng cấm là một chuyện, trên thực tế học sinh vẫn phải bù đầu với các lớp học thêm. Và như thế, cho đến nay, việc dạy thêm mới nhấn mạnh từ “cấm”, thay vì tìm cách “quản”. Điều này cho thấy dạy thêm, học thêm vẫn đang là hoạt động “chạy ngầm”. Lý do bởi học thêm là nhu cầu, nhưng quan trọng hơn là không ít giáo viên coi đây là nguồn thu nhập chính bổ sung vào đồng lương ít ỏi. Vậy làm thế nào để dạy thêm, học thêm không bị “biến tướng”, “trục lợi”, đáp ứng quy luật cung cầu của thị trường và trở thành một hoạt động có ích… là bài toán mà ngành giáo dục cần đưa ra lời giải.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu, một trong những vấn đề là dù Thông tư 17/2012 vẫn còn một số điều khoản còn hiệu lực thì dạy thêm cần phải được đưa trở lại danh mục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư thì việc kiểm soát mới rõ ràng.

Ngành giáo dục bất lực?

Liên quan tới câu chuyện dạy thêm, học thêm, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) chỉ ra bất cập hiện nay là phí học thêm cao hơn rất nhiều lần so với học phí. Ông cho rằng lâu nay người ta chỉ nhìn ở góc độ thầy lôi kéo trò đi học thêm là do đồng lương thấp, đời sống khó khăn. Nhưng thực tế lại cho thấy chương trình quá nặng, nhiều bài khó một cách không đáng có. Bên cạnh đó đa số phụ huynh khó có thể chỉ bài cho con ở nhà nên đành phải cho con đi học thêm.

Cô giáo Trần Thị Minh Hoa, giáo viên THCS nghỉ hưu tại huyện Giao Thủy, Nam Định chia sẻ, để chấn chỉnh vấn đề dạy thêm học thêm, cần thay đổi từ gốc, từ chương trình GDPT 2018, từ hướng dẫn thực hiện của Bộ GDĐT. Có như vậy mới triệt tiêu việc dạy thêm, học thêm, nếu không tiền học thêm vẫn là gánh nặng trên vai phụ huynh học sinh.

Ngược dòng thời gian, từ năm 2012, quy định về dạy thêm, học thêm đã có và rất rõ ràng trong các văn bản của ngành GDĐT. Tuy nhiên, hơn chục năm qua, tình hình vẫn chưa hề được cải thiện. Thậm chí có cả những lớp dạy thêm cho trẻ nhỏ, cho những em chuẩn bị vào lớp 1. Điều đáng nói, các em quá nhỏ mà phải học thêm trực tuyến vào lúc 23 giờ, thời gian mà lẽ ra trẻ nhỏ đã được chìm sâu vào giấc ngủ. Điều đó cho thấy sự bất lực của ngành giáo dục, sự bất lực của những văn bản cấm, sự bất lực của phụ huynh... Vậy không lẽ đó là sự bất lực của toàn xã hội?

TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục:

Cần sự quyết liệt hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo

TS Vũ Thu Hương.

Những lá đơn “tự nguyện” đã hợp thức hóa được việc dạy thêm, học thêm. Vậy, cần xử lý như thế nào với những trường học xảy ra hiện tượng nêu trên? Việc này thực ra không hề khó nếu Bộ GDĐT thực sự quyết liệt hơn trong công tác quản lý. Dù đó là trường công hay trường tư, miễn là các quy định của Bộ có cả các chế tài xử phạt và có hệ thống thanh tra giáo dục làm việc hiệu quả, thì chắc chắn không thể có những hành vi sai trái hết sức ngang nhiên như vậy diễn ra.

Thế nhưng hiện nay, các trường có thể dễ dàng tìm cách lách luật, quy định của Bộ GDĐT. Chủ trương cấm dạy thêm, học thêm rất rõ ràng, nhưng tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, mạnh ai nấy làm phổ biến trên phạm vi cả nước. Điều này làm giảm niềm tin của dân chúng vào Bộ GDĐT và toàn ngành.

(còn nữa)

Hương Lê