Lưu tâm dịch đau mắt đỏ lây lan ở bệnh nhi
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM...
Ghi nhận tại Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhiều từ tháng 8 vừa qua, số lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng. Bệnh viện Mắt trung ương cho hay, những tuần gần đây trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua là 800 ca, có một số ca biến chứng. So với tháng 6, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9 tăng gấp gần 2 lần.
Còn theo Sở Y tế TPHCM, địa phương ghi nhận 3.954 ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trong những ngày cuối tuần qua. Trước đó, số ca bệnh cũng xấp xỉ mức này, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn, với khoảng trên 2.000 trường hợp/ngày. BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết, 2 tuần đầu tháng 9, nơi này tiếp nhận 1.173 bệnh nhi khám đau mắt đỏ, cao gấp đôi tháng 7-8, gấp khoảng 4 lần những tháng đầu năm. Cao điểm, có những ngày bệnh viện tiếp nhận 224 ca, trong khi cao điểm năm trước, chỉ khoảng 10 ca…
TS.BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt trung ương lưu ý, thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ. Theo đó, người dân cần chú ý bệnh đau mắt đỏ trên bệnh nhi. Do miễn dịch của trẻ chưa phát triển, phản ứng phù nề mắt rất dữ dội; bệnh nhi có thể bị chảy máu mắt do giả mạc, khi đó phải bóc giả mạc, có thể gây chảy máu và những trường hợp có giả mạc thường lâu khỏi. Giả mạc rất dễ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm. Nếu đến bệnh viện muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, bệnh nhi phức tạp, công phu hơn.
Ngoài ra, hiện vẫn gặp các trường hợp chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên (khỏi sau 7-10 ngày). Nhưng nếu lâu hơn là “không tự nhiên”, có nguy cơ biến chứng, khó điều trị hơn. Khi đó, người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt để được dùng thuốc phù hợp, chống viêm, tăng cường miễn dịch chống bội nhiễm.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường tiếp xúc tay - mắt (tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh rồi tay đó lại chạm vào các vật dụng khác, làm lây truyền mầm bệnh). Cho nên, khi bị đau mắt đỏ thì vệ sinh tay rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần cách ly tương đối với những người bị bệnh và những người chưa bị. Với những người bị đau mắt đỏ cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định đúng thuốc. Có ý kiến cho rằng, với những trường hợp đau mắt đỏ có giả mạc thì không nên bóc, nhưng theo PGS.TS Phạm Ngọc Đông, việc bóc giả mạc là cần thiết, giúp cho tổn thương mau hồi phục. Bản thân giả mạc cũng gây cọ sát, gây xước giác mạc tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.