Thay đổi lối sống phòng ngừa suy thận mạn tính
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
Theo TS.BS Lê Thị Phượng - Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận mạn, sỏi tiết niệu, bệnh thận đa nang, do hệ lụy của lạm dụng thuốc hoặc do bẩm sinh - di truyền…
Khi bị bệnh thận có thể sẽ dẫn đến suy thận mạn, nhiều chất độc không được đào thải gây tích tụ khiến người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn, nặng có thể hôn mê. Việc ứ đọng muối - nước khiến người bệnh bị phù, cao huyết áp, nguy cơ dẫn đến suy tim. Suy thận cũng dẫn đến việc thiếu máu làm cho da bệnh nhân bị xanh xao, nhợt nhạt và thần sắc mệt mỏi… Suy thận mạn có thể có các biến chứng như: Phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim…
Đáng lo ngại hơn, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh nguyên nhân gây bệnh từ yếu tố di truyền, các bệnh lý kèm theo của người bệnh gây suy thận thì chế độ ăn uống, sinh hoạt của giới trẻ hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh suy thận.
Lối sống thiếu khoa học, ít vận động, ăn uống nhiều chất béo, chất đường… ở giới trẻ dễ dẫn đến các hội chứng chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gout, béo phì…). Biến chứng của những căn bệnh chuyển hóa này lên cơ quan thận là một trong những nguyên nhân khiến suy thận gia tăng ở người trẻ. Bên cạnh đó, thói quen mua thuốc, sử dụng thuốc điều trị tùy tiện, không theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây suy thận…
TS Nguyễn Thế Cường - Trưởng khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) nhấn mạnh, suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Để hạn chế nguy cơ suy thận mạn tính, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ... Bên cạnh đó, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường bệnh lý và điều trị kịp thời, tránh để các bệnh lý về thận diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.