Thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè: Cần bảo đảm không gian cho người đi bộ

LÊ ANH 18/09/2023 08:00

Áp lực đô thị “phình to”, dẫn đến thiếu điểm đậu/đỗ xe, khiến TPHCM buộc phải tính đến phương án tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè (có thu phí) trong thời gian trước mắt.

TPHCM đã thu phí tạm thời các bãi đậu đỗ xe tận dụng vỉa hè, lòng đường để giảm áp lực đô thị.

Giải quyết nhu cầu trước mắt

Tạm thời tận dụng lòng đường, vỉa hè (có thu phí) để bố trí các điểm đậu/đỗ xe cho ô tô, xe máy, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, sở đã chính thức trình UBND thành phố tờ trình phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, dự kiến sau khi được HĐND thành phố thông qua sẽ có hiệu lực thực hiện từ đầu năm 2024.

Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, có 6 nhóm cá nhân, tổ chức được phép sử dụng tạm thời vỉa hè có thu phí, bao gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ công trình; điểm bố trí trông ,giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe; điểm tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa.

Ngoài ra, có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời lòng đường, bao gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí. Về mức thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường, được đề xuất chia thành 5 khu vực, trong đó cao nhất là khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận,…) sẽ áp mức thu 50.000 đồng/m2/tháng ở những tuyến không phải trung tâm của khu vực và mức 100.000 đồng/m2/tháng đối với tuyến đường trung tâm của các khu vực trên.

Đáng chú ý, nếu sử dụng vỉa hè, lòng đường để giữ xe, tổ chức, cá nhân được cấp phép sẽ phải chịu mức thu phí 350.000 đồng/m2/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại ở các khu vực 1. Mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè sẽ giảm dần tại các quận, huyện còn lại khi áp lực về đậu/đỗ xe không cao như khu vực trung tâm.

Liên quan đến đề án này, dự kiến đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sẽ là Sở GTVT TPHCM, với nhiệm vụ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở này quản lý. Còn lại, UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do đơn vị này quản lý. Việc sử dụng nguồn thu sẽ phải tuân thủ nguyên tắc toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Đảm bảo hài hòa, tránh xáo trộn

Đóng góp ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, Luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ TPHCM đánh giá, quá trình dự thảo đề án này đã cung cấp khá đầy đủ hiện trạng công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM trên cơ sở khảo sát hiện trạng thực tế. Luật sư Hòa cũng bày tỏ, các khoản thu tạm thời này trong lúc chờ thành phố xây dựng các bãi đậu xe để phục vụ nhu cầu cho người dân, sẽ tạm thời giúp ngành giao thông có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đô thị.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, thành phố cần phải hài hòa phương án thu phí tạm thời với việc đảm bảo đủ không gian cho người đi bộ. Hiện TPHCM có hơn 4.800 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có gần 1.250 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên. Việc tận dụng giải pháp trước mắt này có thể đưa đến nguồn thu cho ngân sách hàng năm hơn 1.500 tỷ đồng nếu khai thác tối ưu, hiệu quả. Nhưng đồng thời, thách thức cũng sẽ đến từ chính những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đề án, là người đi bộ và phương tiện đậu/đỗ xe ở lòng đường, vỉa hè.

“Đó là vấn đề mức thu như thế nào cho phù hợp và đối tượng nào phải thu phí, đối tượng nào nên có sự hỗ trợ, ví dụ như người buôn thúng, bán bưng, người bán hàng rong, những hộ có hoàn cảnh khó khăn sinh sống ở các địa bàn có thu phí thì cần phải có giải pháp rất cụ thể” - ông Ninh bày tỏ.

Cùng về vấn đề này, tại phiên giải trình trước HĐND thành phố về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức cần mạnh tay hơn nữa để lập lại trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, một số địa bàn còn phức tạp về vấn đề lòng đường, vỉa hè cần phải xử lý rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ để xảy ra vi phạm sử dụng lòng lề đường dẫn đến tai nạn giao thông.

HĐND thành phố cũng yêu cầu khắc phục các hạn chế trong quản lý trật tự đô thị, trật tự lòng đường, vỉa hè, chuẩn bị kỹ tờ trình về quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trình HĐND thành phố xem xét, nghiên cứu số lượng, chế độ đối với lực lượng quản lý đô thị hiện nay.

LÊ ANH