Khoảng cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ 20, tại làng Hảo bắt đầu sản xuất các món đồ chơi Trung thu. Trong đó, mặt nạ giấy bồi, đầu lân... là nổi tiếng nhất. Theo ông Vũ Huy Đông, chủ một cơ sở sản xuất đồ chơi Trung thu tại Hưng Yên, nghề sản xuất đồ chơi dân gian của gia đình ông đã có cách đây hơn 40 năm. Ngày xưa là một Hợp tác xã chuyên làm trống, sau đó xã hội phát triển thì các gia đình tự kinh doanh. Đến nay, một số gia đình không giữ nghề này nữa, chỉ còn một vài hộ còn bám trụ với nghề. "Ngày xưa người dân làng nơi đây chỉ sản xuất trống và mặt Tễu, những năm 2000 trở lại đây do thị hiếu của giới trẻ, chúng tôi phải tìm tòi và sáng tạo ra những mẫu mã khác", ông Đông cho hay. Theo ông Đông để làm mặt nạ giấy bồi đòi hỏi người làm cần phải khéo léo, tỉ mỉ. Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ, phải thực hiện qua 3 công đoạn: bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được người thợ sơn, vẽ tay, thổi hồn trở thành những hình thù ngộ nghĩnh. “Khâu vẽ là khâu khó nhất, những người nào có kinh nghiệm lâu năm mới được vẽ. Bởi khi vẽ phải thể hiện được hồn của con vật, hồn của con người. Ví dụ vẽ Tễu nữ khác là có cái khăn vấn, còn Tễu nam không có khăn vấn thì phải có râu. Mỗi con người, con vật khi vẽ đều phải thể hiện rõ hồn nên đó là cái khó nhất”, ông Đông chia sẻ. Một chiếc mặt nạ giấy bồi tại đây sẽ có giá từ 17.000 - 50.000 đồng/sản phẩm. Hình ảnh chiếc mặt nạ giấy bồi đã hoàn thành.
Lê Khánh