Doanh nghiệp gạo khát vốn
Vốn tín dụng là vấn đề được cộng đồng thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, hầu như các thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của các thương nhân, nhất là thời điểm chính vụ.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho biết, dù là doanh nghiệp (DN) nông nghiệp hàng đầu, hoạt động trên toàn chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam, được ưu tiên vay vốn nhưng chính Lộc Trời cũng đang gặp khó khi tiếp cận tín dụng.
Cụ thể, theo quy trình sản xuất lúa gạo, cần tối thiểu 4 tháng kể từ khi cây lúa được gieo trồng rồi thu hoạch, cộng thêm 2 tháng lưu kho thì thời hạn vay vốn 6 tháng như các ngân hàng đang thực hiện cho vay là có thể đáp ứng nhu cầu DN nói chung. Tuy nhiên, do đặc thù kinh doanh riêng của Lộc Trời là thực hiện quy trình từ giống cho đến khi gieo trồng thành phẩm và xuất khẩu sang tận thị trường châu Âu, DN cần tới 18 tháng để quay vòng vốn.
Lúc này, thời hạn cho vay chỉ trong 6 tháng của ngân hàng khiến cho DN rất khó khăn trong việc cân đối dòng tiền. Ngoài ra, đại diện DN này cũng cho rằng, việc cho DN bao tiêu vay vốn là gián tiếp hỗ trợ người nông dân. Hiện nay, "nút thắt cổ chai" đang chuyển từ chỗ DN sang người nông dân. Nông dân khó vay, DN sẽ vay và đầu tư cho nông dân. Nông dân không có tài sản thế chấp, không vay được nên đề xuất chính sách nếu nông dân có hợp đồng liên kết sản xuất với DN thì có thể có cơ sở để cho vay vì họ có hợp đồng bao tiêu đầu ra.
Cùng với đó, ngân hàng có thể quản lý vốn bằng cách cung ứng vật tư cho nông dân, khuyến khích nông dân mở tài khoản để quản lý dòng tiền. Đặc biệt, với những DN lớn như Lộc Trời, có những lúc, ký được đơn hàng lớn với doanh thu 1 đơn hàng có thể bằng cả năm nên nhu cầu vốn tăng đột biến. "Lúc này, đồng vốn sẽ là sự sống còn của DN. Vậy, nếu DN có đầu ra, có năng lực sản xuất, thì đề nghị ngân hàng có thể cấp tín dụng cho DN từ các đơn hàng lớn đó, không nên cứng nhắc làm mất cơ hội của DN" - đại diện DN đề xuất.
Cũng có chung đề xuất ngân hàng cần linh động hạn mức cho vay vốn, ông Ngô Minh Hiển - Tổng Giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho biết, ở Cà Mau, tôm khai thác tự nhiên từ tháng 3 đến tháng 6, lúc này, DN rất cần tiền để mua tôm của dân. Tuy nhiên, do tín dụng phân bổ kiểu "cào bằng" cho cả năm, nên lúc cao điểm, DN không được vay thêm vốn ngân hàng, không có tiền thu mua, dân phải bán ra giá rẻ.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính tới cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực này tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là một trong những lĩnh vực được ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Trong đó, ĐBSCL là vùng có nhiều DN với doanh thu về lúa gạo và thủy sản cao. Để hỗ trợ cho các DN, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn.
Điển hình là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đến nay có 13 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình, với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay. Hiện doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.