Du lịch Hà Nội chưa xứng với tiềm năng
Theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, sau đại dịch Covid-19, tốc độ phát triển của đa số các ngành nghề tại Hà Nội tương đối nhanh nhưng đối với du lịch lại chưa thực sự như kỳ vọng. Chính vì vậy việc đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững cho du lịch Thủ đô là hết sức cần thiết.
Chưa thực sự phục hồi
Với chính sách mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch. Nhờ đó, năm 2022, du lịch của Thủ đô đã đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách, khách du lịch nội địa đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
Cũng theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 8 tháng năm 2023, Hà Nội đã đón được 16,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,79 triệu lượt khách, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa ước đạt 14,1 triệu lượt khách, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động cơ sở lưu trú, tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; Trong đó, 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1 % tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.
Trong năm 2022, Hà Nội đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng. Tháng 9/2022, là giải thưởng Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022; Tại lễ gala ngày 11/11/2022, Hà Nội dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022.
Mới đây, Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 và Cơ quan quản lý du lịch TP hàng đầu châu Á.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, kinh tế TP Hà Nội phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid-19, nhưng phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Dù du lịch Hà Nội đã nhận nhiều giải thưởng quốc tế, song cơ hội để tận dụng các giải thưởng này còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, hiện nay, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn như nguồn lực còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú, đáp ứng nhiều nhu cầu của du khách sau dịch… Hà Nội đã có những giải pháp đẩy mạnh, thu hút khách du lịch nhưng lượng khách vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cần đa dạng sản phẩm phù hợp nhu cầu du khách
Mặc dù có tiềm năng lớn về văn hóa, lịch sử và thiên nhiên nhưng tốc độ phục hồi của du lịch Hà Nội đã không đạt như kỳ vọng. Vẫn theo ông Nguyễn Trùng Khánh, thời gian tới du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp cần cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến với Hà Nội. Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm... Đồng thời, tăng cường công tác chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động kinh doanh du lịch.
Bà Ngô Thị Lan Phương - Giám đốc Công ty Lữ hành Kim Liên, để thu hút du khách sản phẩm phải rõ ràng đối với từng đối tượng khách; đẩy mạnh các hoạt động du lịch đêm như tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du khách; trang hoàng các điểm đến hấp dẫn hơn; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch ẩm thực, xây dựng thêm sản phẩm du lịch mùa thu…
Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp, Hà Nội cần tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng tại các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm; phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch; cần quy hoạch tuyến phố du lịch đêm có các hoạt động biểu diễn đặc sắc phục vụ du khách…
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho rằng, cần có các cơ chế chính sách động viên kịp thời đối với các doanh nghiệp lữ hành. Các doanh nghiệp cần đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, "chăm chút" cho sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời có gắng tạo ra sản phẩm đặc sắc. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp đang hoạt động có tính chất lừa dối khách hàng, từ đó làm mất lòng tin khách hàng, tạo ra một sự lan toả xấu trên thị trường du lịch. Nếu không xây dựng một nền tảng văn hóa doanh nghiệp, trước sau chúng ta cũng sẽ thất bại bởi sự thiếu đạo đức.