Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp
Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm.
Ngày 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. (trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thuý Ngần nêu lên những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện của các cơ quan liên quan.
Cụ thể, đối với lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư có hạn chế: tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.
Lĩnh vực tài chính: tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến. Việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm. Hệ thống pháp luật về thuế chậm được sửa đổi.
Trong lĩnh vực Công thương: việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá còn chậm. Cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; tình trạng cung-cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Việc xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa được ban hành. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu còn phổ biến. Việc bố trí, huy động các nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa tương xứng.
Bà Ngần cũng chỉ rõ, đối với lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì việc ban hành các quy hoạch ngành quốc gia còn chậm. Một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới chưa phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; một số văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể hoặc khó thực hiện. Số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số còn thấp. Việc sáp nhập Trạm Thú y triển khai còn thiếu đồng bộ. Việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.
Lĩnh vực giao thông vận tải: tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và đưa vào khai thác của một số dự án còn chậm. Nguồn cung vật liệu cho các dự án giao thông lớn rất khan hiếm, khó khăn. Việc xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT chưa đạt tiến độ. Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông chưa quyết liệt. Các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm.
Trong lĩnh vực xây dựng: việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn còn chậm. Việc phát triển đô thị thông minh, bền vững còn nhiều hạn chế; chưa chú trọng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Thị trường bất động sản, nhà ở còn rất khó khăn về thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn. Giá nhà ở tiếp tục tăng và ở mức khá cao so với thu nhập của người dân. Kết quả thực hiện kết luận thanh tra còn thấp. Chưa ban hành đủ 12 bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Lĩnh vực Khoa học và công nghệ có hạn chế như: việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn bất cập, chưa tạo điều kiện cho các tổ chức được tự chủ toàn diện. Việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: việc bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp giáo dục mầm non vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học và giữa các vùng miền; việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn. Việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Việc thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là ở các ngành lĩnh vực công nghệ cao.
Lĩnh vực y tế còn việc chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện về thuốc, thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa được bảo đảm. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Nhận thức về vai trò của y tế dự phòng còn chưa đầy đủ; đầu tư cho y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng.
Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp vẫn còn 32/76 nhiệm vụ lập pháp chưa hoàn thành, một số văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành. Số văn bản được kiến nghị xử lý sau rà soát chưa cao. Công tác lập Chương trình, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập chưa được khắc phục triệt để. Số việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau còn cao; kết quả thi hành án hành chính còn hạn chế.
Lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố hằng năm vẫn chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn trường hợp đình chỉ điều tra, một số vụ án còn phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần hoặc phải hủy án điều tra, truy tố, xét xử lại. Số vụ việc xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm.
Lĩnh vực kiểm sát vẫn còn 1.321 vụ/908 bị can về xâm hại trẻ em chưa được giải quyết; vẫn còn xảy ra một số trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKSND; chất lượng truy tố một số trường hợp chưa cao. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo, điều tra, khám phá các tội phạm chưa tương xứng với tình hình. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp.