Nhiều tiểu phẩm hay, đặc sắc trong Hội thi Dân vận khéo của Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk
Vận động người dân hiến đất làm đường, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, nhẹ dạ cả tin bị dụ dỗ đi theo đạo lạ, lừa đảo đi xuất khẩu lao động, đưa người vượt biên sang nước ngoài để làm thuê, tình trạng thanh niên bỏ buôn làng đi làm ăn xa…, những tình huống trong cuộc sống đời thực ở địa phương đã được đưa lên sân khấu, vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu và vận dụng. Đó là phần tiểu phẩm của các đội tham dự Hội thi Dân vận khéo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk năm 2023.
Những tình huống trong cuộc sống đời thực ở địa phương
"Có phải dạo này ông lại đi rừng săn bắn, lấy gỗ phải không? Săn đâu mà săn, lấy đâu ra súng mà săn, lần trước chẳng nộp cho Bộ đội Biên phòng rồi còn gì! Tôi lạ gì ông, cái khẩu súng ông nộp cho Bộ đội Biên phòng, đấy là cái súng hỏng. Tôi nói với con rồi, hôm qua con nó đi làm, gặp Buôn trưởng với các chú Bộ đội Biên phòng, hôm nay họ sẽ đến nhà mình đấy", đây là một đoạn đối thoại trong tiểu phẩm “May mà chưa muộn” do đội của Đồn Biên phòng SêRêpôk thực hiện.
Câu chuyện tái hiện hình ảnh một người dân ở địa phương tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép để săn bắn. Phát hiện người dân tàng trữ vũ khí trái phép, Bộ đội Biên phòng đã tuyên truyền vận động nhưng người dân gian dối lấy súng hỏng ra nộp, giữ lại khẩu súng thật để sử dụng, cho tới khi bà vợ bị đạn nổ làm cho bị thương phải đưa đi viện, anh chồng mới chịu giao nộp khẩu súng thật cho Bộ đội Biên phòng.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Sêrêpôk cho biết, thực tế trong thời gian qua trên địa bàn xã biên giới Krông na, huyện Buôn Đôn vẫn còn có 1 số người dân tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ… trái phép. Xác định đây là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp vũ khí vật liệu nổ cho Bộ đội Biên phòng.
Kết quả trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền vận động được 28 khẩu súng các loại, trong đó có 18 khẩu súng độ chế quân dụng (Kíp, Klíp, thể thao, CKC). Ngoài việc tuyên truyền thực tế tại địa phương, đơn vị đã xây dựng tiểu phẩm “May mà chưa muộn” tham gia Hội thi Dân vận khéo nhằm tuyên truyền vận động nhân dân không nên tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép, vừa vi phạm pháp luật và gây mất an toàn cho bản thân, gia đình và mất an ninh trật tự tại địa phương.
Đại úy Nguyễn Duy Lành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng EaH’Leo cũng cho biết, Ia Lốp thuộc Đồn Biên phòng Ea H’Leo quản lý được thành lập 2006 theo Dự án Kinh tế Quốc phòng. Địa bàn đơn vị Đồn quản lý chủ yếu là bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, phong tục tập quán đa dạng, bà con vẫn còn tồn tại những thói quen chế tạo vũ khí, vật liểu nổ trái phép để săn bắn, việc làm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong thực tế ở địa phương đã có nhiều trường hợp tử vong, thương tật do sử dúng tự chế để săn bắn.
Trước thực trạng trên, Đồn Biên phòng Ea H’leo đã phối hợp chính quyền, Mặt trận các đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thu hồi vũ khí, vật liệu nổ…trên địa bàn. Kết quả đầu năm 2023 đến nay đơn vị đã tổ chức thu hồi 11 khẩu súng (súng thể thao, súng kíp...).
Từ công tác tuyên truyền thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tại địa phương, đơn vị đã xây dựng tiểu phẩm tham gia Hội thi Dân vận khéo nhằm tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, không nên tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép, gây mất an toàn, an ninh trật tự tại địa phương. “Chúng tôi tự xây dựng kịch bản, mỗi người góp một ý và sửa lời thoại sao cho thật nhất, dễ hiểu, dễ nhớ nhất để khi đưa lên sân khấu, mọi người không có cảm giác diễn. Qua đó, thể hiện tình cảm quân dân gắn bó”, Đại úy Nguyễn Duy Lành chia sẻ.
Đội thi đến từ Đồn Biên phòng Yok M’Bre với tiểu phẩm “Việc nhẹ lương cao”. Câu chuyện nói về một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con trai thì lười lao động, suốt ngày tụ tập bạn bè, gặp đối tượng lạ mặt dụ dỗ đi làm việc nhẹ, tiền công cao, dễ đổi đời, may nhờ Bộ đội Biên phòng đến nhà thông tin kịp thời về mục đích của đối tượng là đưa người vượt biên sang nước ngoài để làm thuê ở các khu sòng bạc, khu nghỉ dưỡng..., hoặc bán cho các đối tượng xấu để bọn chúng bắt lao động khổ sai..., nếu không làm thì bị đánh đập, đòi tiền chuộc... Khi được Bộ đội Biên phòng thông tin và cho xem ảnh đối tượng vừa bị Đồn Biên phòng bắt khi đang đưa người vượt qua biên giới, gia đình mới hốt hoảng tí nữa thì cậu con trai đã bị lừa bán sang nước ngoài.
“Một ngày giúp dân phát triển kinh tế” là tiểu phẩm của Tiểu đoàn – Huấn luyện Cơ động kể về câu chuyện mẹ già làng ở trong buôn thường xuyên đau ốm không người chăm sóc. Các con đi làm ăn xa, nương rẫy bị bỏ hoang không người làm. Thấy hoàn cảnh mẹ già làng khó khăn, vất vả, Bộ đội Biên phòng và đoàn thanh niên đến giúp mẹ làm nương rẫy, tuyên truyền chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Qua công tác tuyên truyền vận động, mẹ già làng đã hiểu ra và gọi các con trở về buôn làng làm ăn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Tiểu phẩm “Bây giờ tôi đã hiểu” của đội Đồn biên phòng Yok Đôn đã thể hiện công tác dân vận khi thuyết phục hộ dân giải tỏa nương, rẫy làm đường giao thông thôn mới. Mặc dù phải đi nhiều lần, nhưng bằng sự kiên trì, mềm mỏng mà vẫn không kém phần kiên quyết, Bộ đội Biên phòng đã thuyết phục được hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tiểu phẩm "Thức tỉnh" của Đồn Biên phòng Ia Rvê kể về hoàn cảnh gia đình nghèo có ông chồng suốt ngày say xỉn, không chịu làm ăn, còn hay đánh đập vợ con. Chị vợ đang buồn chán thì gặp người xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin dụ dỗ tham gia Hội thánh Đức chúa trời mẹ (đạo lạ) để được chúc phước, đỡ bị ông chồng đánh đập. May được chị hàng xóm khuyên ngăn và thông tin cho Bộ đội Biên phòng kịp thời ngăn chặn không thì chị đã biến thành món hàng của đối tượng xấu.
Các đội thi đều có nhiều cách xây dựng kịch bản và thể hiện khác nhau nhưng có một điểm chung là đều đưa ra các tình huống có thật, khiến khán giả có mặt tại hội trường cảm giác như bắt gặp câu chuyện đó ngay tại khu dân cư nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, còn có các tình huống thời sự tại địa phương khác cũng đã được các đội khéo léo xây dựng trong kịch bản để đưa lên sân khấu.
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi Dân vận khéo cấp tỉnh, cho biết: "Đến với hội thi, các đội đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần trình bày của mình. Các tiểu phẩm được dàn dựng công phu, xen lẫn nhiều tình tiết hài hước, các đơn vị cũng lồng ghép những điểm “lặng” khiến khán giả sau những tràng cười sảng khoái là những cái gật đầu tán thưởng dành cho những diễn viên không chuyên trên sân khấu. Thắt nút, gỡ nút được các đội xử lý một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế của mỗi địa phương, đơn vị. Công tác Dân vận khéo không chỉ là lý thuyết, mà còn được “tháo gỡ” thông qua công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giữa Bộ đội Biên phòng và Mặt trận các đoàn thể tại địa phương đã giải quyết nhiều vấn đề, vụ việc tại cơ sở một cách nhanh gọn".
Qua phần thi kiến thức và xử lý tình huống, nhiều thí sinh dự thi chia sẻ rằng những nội dung thi đều là những kinh nghiệm thực tế, cách xử lý tình huống mà họ vẫn trực tiếp giải quyết. Từ đó học hỏi thêm nhiều về những kinh nghiệm, kỹ năng vận dụng tại địa phương mình.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hậu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia RVê chia sẻ: “Hội thi “Dân vận khéo” giúp ích cho tôi vầ tất cả cán bộ tham gia hội thi nắm vững văn bản quy định của Đảng, Nhà nước, quân đội về công tác dân vận. Hội thi giúp chúng tôi nắm vững các tình huống có thể xảy ra khi đi thực hiện công tác dân vận tại cơ sở. Thông qua hội thi, chúng tôi được học hỏi thêm nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của các đơn vị… Đặc biệt, giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm để giải quyết các tình huống xảy ra trên địa bàn một cách nhanh gọn. Qua hội thi lần này, chúng tôi càng thấm nhuần hơn về lời dạy của Bác Hồ, “Dân vận kéo thì việc gì cũng thành công”, từ đó chúng tôi sẽ thực hiện công tác vận động quần chúng ở địa bàn ngày một tốt hơn".
Đại tá Đỗ Quang Thấm đánh giá cao công tác chuẩn bị của các đội thi. Đặc biệt, các tiểu phẩm vừa đời thường, gần gũi với cuộc sống người dân, vừa phản ánh vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. Đây không chỉ là sân chơi cho cán bộ làm công tác Dân vận tại cơ sở mà còn là đợt sinh hoạt chính trị rất hay, là dịp để các đơn vị, các đồng chí trực tiếp làm công tác vận động quần chúng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân vận qua đó giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, những cách làm hay, hiệu quả, những mô hình điển hình về công tác dân vận, góp phần nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tiến hành công tác dân vận; từ đó, khuyến khích tinh thần sáng tạo, cổ vũ, động viên, nhân rộng điển hình, mô hình “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong BĐBP tỉnh.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao: giải Nhất cho Đồn Biên phòng Ea H’leo; giải Nhì cho Đồn Biên phòng Yok M’bre; 2 giải Ba cho Đồn Biên phòng Sê-sê-pốk và Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê; 3 giải Khuyến khích và 2 giải phụ cho các đơn vị.