Để học thêm không trở thành gánh nặng - Bài 2: Học thêm nhiều, hiệu quả bao nhiêu?

Thu Hương 19/09/2023 06:28

Việc dạy thêm - học thêm hiện nay có cả chương trình do nhà trường đứng ra tổ chức và nhóm các thầy cô giáo, giáo viên chủ nhiệm đứng ra tổ chức. Tại Hà Nội, nhiều học sinh phải học cả 2 chương trình học thêm này, dẫn tới quá tải, tốn nhiều tiền. Câu hỏi lớn nhất cũng là băn khoăn của tất cả phụ huynh đó là học thêm liên tiếp như vậy có hiệu quả hay không?

Một lớp học thêm.

Những đứa trẻ học ca 3, ca 4

Học thêm là câu chuyện kinh điển đã tồn tại từ lâu song những năm gần đây càng trở thành vấn đề lớn với nhiều học sinh (HS) và gia đình, nhất là tại các thành phố lớn khi cuộc cạnh tranh vào các lớp chọn, trường chuyên, trường chất lượng cao và trường công lập trong kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng căng thẳng. Hình ảnh những đứa trẻ không có bữa cơm tối đúng nghĩa bên gia đình, ăn vội chiếc bánh mì trên đường di chuyển từ lớp học thêm này tới lớp học thêm khác không hiếm để bắt gặp trên những cung đường đông đúc ở thành phố.

19h hàng ngày, trong một ngõ nhỏ ở phố Định Công (Hà Nội), hơn 50 HS túa ra từ lớp học thêm. Con ngõ nhỏ chật ních người và xe, ồn ào trong khoảng chục phút rồi những chiếc xe nổ máy lao vút đi, chở theo trên xe là những em bé lớp 3 vai đeo ba lô nặng trịch. Không ít em lấy tay che miệng ngáp ngắn ngáp dài.

Chị Mai An, phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, con học bán trú tại trường. Theo lịch khoảng 16h30 chiều sẽ tan học, bố mẹ không thể đưa đón nên đã đăng ký với nhà trường dịch vụ xe tuyến đưa về nhà. Tuy nhiên, do các thầy cô trong lớp tổ chức dạy thêm sau giờ tan học nên gia đình rất băn khoăn. “Nếu con không đăng ký trong khi gần như cả lớp tham gia lớp học thêm thầy cô mở tại cơ sở sát cạnh trường này, tôi lo con bị chậm so với các bạn. Nhưng nếu học thêm 1,5 tiếng nữa, việc đưa đón con là cả một vấn đề. Đó là chưa kể, con cũng đang theo học cả 3 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán của 3 thầy cô khác ngoài nhà trường hàng năm nay. Có những ngày 21h30 con mới về đến nhà, ăn uống, tắm giặt, đến lúc ngồi vào bàn tự học cũng hơn 22h30” - chị An chia sẻ trong cám cảnh.

Còn tâm trạng của HS thì sao? Em Mạnh Cường (Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) nhớ lại nỗi ám ảnh suốt những năm cấp 2 với em chính là quãng thời gian học thêm, đặc biệt là năm học cuối cấp lớp 9. “Chẳng riêng lớp em, các lớp khác cũng vậy. Hết giờ học chính khóa buổi sáng, buổi chiều cả lớp gần 50 bạn viết đơn học thêm tự nguyện, bố hoặc mẹ ký vào. Kết thúc giờ học này, nghỉ giải lao 20 phút là đến giờ học tự chọn. Ngoài 3 môn bắt buộc sẽ thi vào lớp 10, nhà trường thông báo sẽ tổ chức ôn thi cả môn thứ 4 khi Sở có thông báo nhưng rất may cuối cùng không thi nên chúng em chỉ ôn 3 môn, tổng 5 buổi/tuần. Sau đó em về nhà, ăn cơm vội vàng để học với gia sư 1 kèm 1 tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ 7. Qua Tết, vì không yên tâm với sức học của em qua một số đề thi thử nên bố mẹ đã tìm cho em một thầy giáo có tiếng ở Phố Huế. Tuy nhiên vì xin học muộn nên lớp sớm đã kín chỗ, em chỉ có thể học ca 20h30 đến 22h. Hai bố con sớm nhất là 22h30 mới về đến nhà, mệt nhoài” - Mạnh Cường chia sẻ.

Tăng cường cơ chế giám sát

Quá tải việc học là tâm sự của nhiều HS hiện nay khi ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các em còn tham gia các lớp học thêm khác nhau, trong đó có những lớp là tự tìm hiểu và đăng ký, có những lớp là học theo tâm lý số đông kiểu cả lớp cùng học, chẳng lẽ mình lại không? Tuy nhiên, với việc học tự nguyện gần như không được lựa chọn khác này khiến chất lượng thực sự đem lại rất… khó nói.

Chị Lê Hương Trà (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, con thứ 2 nhà chị năm nay vừa vào lớp 6. Vì học lớp chọn nên hầu như các phụ huynh đều rất quan tâm tới việc học của con. Lớp có 50 bạn thì khoảng 47 bạn ở lại học thêm. Học ngay chính tại lớp đó trong thời gian 1 tiếng rưỡi, 16h30 -18h. Mỗi HS thu 60.000 đồng/buổi. 1 tháng học 6 buổi Toán, 6 buổi Ngữ văn, 4 buổi Tiếng Anh. Như vậy, riêng tiền học thêm mỗi tháng là 3,6 triệu đồng. Điện nước lớp vẫn tự trả. “Tôi không phản đối học thêm nhưng nên chia lớp thành 2 nhóm theo trình độ để sát sao hơn với lực học của các con. Lớp quá đông sẽ không thể đạt hiệu quả, khi đó lại phải tiếp tục ghi danh cho con học thêm ở nơi khác nữa thì quá lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc” - chị Trà bức xúc và cho biết đã trao đổi với ban phụ huynh của lớp nhưng cũng chưa biết sẽ kiến nghị với cô giáo thế nào. Từ tháng 9, chị Trà đã cho con nghỉ 2 lớp học thêm ở ngoài nhà trường, chỉ còn 1 lớp Tiếng Anh do đóng học phí cả năm rồi nên vẫn tiếp tục duy trì nhưng cũng khá căng do lên cấp 2, bài vở nhiều, chương trình nặng hơn, nhiều môn hơn và thầy cô cũng yêu cầu cao hơn.

Học thêm liên tiếp không có thời gian tự học nói gì đến thời gian nghỉ ngơi là nỗi lòng của nhiều HS. Nhưng nhìn từ phía phụ huynh, ngay cả khi không bị ép buộc phải học thêm nhưng vẫn đăng ký vì lo con thua bạn kém bè, lo trượt cấp 3 trường tốt, thậm chí lo con mình khác người không đi học sẽ bị để ý… Trăm ngàn lý do khiến những đứa trẻ không từ chối được những lớp học thêm thực chất có khi là học trước chương trình, học lại những bài đã biết hoặc học nâng cao những bài không phù hợp với trình độ của trẻ. Để rồi sau đó lại phải lao đến những lớp học thêm khác, học phí vừa cao hơn, đường sá lại xa hơn.

Từ góc nhìn của một nhà giáo cả cuộc đời gắn bó với nghề dạy học, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khoan xét đến chi phí học thêm là gánh nặng không nhỏ với nhiều gia đình hiện nay thì việc học thêm tràn lan theo kiểu “chạy sô”, ăn chưa hết bát cơm đã vội đi học, liệu các em có đủ trí nhớ, sức khỏe và tâm lý để học tiếp hay không? Dù là học phụ đạo để nâng cao năng lực, khuyến khích tinh thần tham học hỏi của HS hay dạy kèm cho những HS yếu kém để các em bắt kịp với các bạn trong lớp, phụ huynh cũng không nên để con học thêm quá nhiều gây quá tải. Tránh tình trạng thời gian học thêm chiếm hết thời gian vui chơi, hoạt động khác. Điều này không những không giúp các em giỏi hơn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành (Trường ĐH Giáo dục Hà Nội), để siết dạy thêm, học thêm, cần tăng cường cơ chế giám sát giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS trong việc thực hiện các quy định quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Nhà trường cần kiên quyết xóa bỏ những hoạt động có biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc cũng như gắn trách nhiệm đúng người, đúng đối tượng; Tư vấn các cấp lãnh đạo cấp trên để điều chỉnh sửa đối các quy định về dạy thêm học thêm kịp thời thay đổi với sự phát triển của xã hội.

Khi lưu ý về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, tổ chức hoạt động ngoài giờ trong trường học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đã chỉ đạo các trường tiểu học cần chủ động xây dựng kế hoạch chương trình nhà trường trong và sau giờ chính khóa. Giáo viên bậc tiểu học chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, chủ động tìm hiểu đặc điểm HS, từ đặc điểm vùng miền, hoàn cảnh gia đình, kết quả học tập cuối năm để lập kế hoạch dạy học phù hợp. Kế hoạch dạy học cần có “màu sắc riêng”, tránh áp dụng cứng nhắc nội dung được tác giả sách giáo khoa gợi ý trong tài liệu bồi dưỡng, phân phối chương trình, sách giáo viên…

Phụ huynh cần tỉnh táo khi lựa chọn học thêm cho con

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để học thêm thực sự phát huy hiệu quả, phụ huynh cần tỉnh táo để lựa chọn lớp học cho con trên cơ sở tìm hiểu kỹ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu và nguyện vọng của con, tránh ghi danh vì nể nang, vì mong muốn của bố mẹ trong khi con không hợp tác thì cũng không hiệu quả. Muốn vậy cần nói không với bệnh thành tích, chấp nhận con có thể không phải là người giỏi toàn diện tất cả các môn học. Chỉ học khi thực sự cần và cũng tìm thầy cô giáo phù hợp giúp con tiến bộ thay vì chạy theo đám đông chưa chắc đã là lựa chọn đúng đắn nhất với con.

Về phía nhà trường, cần làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên. Cụ thể là trong các giờ học chính phải bảo đảm đầy đủ nội dung và chất lượng. Cùng với đó là phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá HS theo hướng thiên về các hoạt động tư duy, kỹ năng sống; việc ra đề thi phải cụ thể, không nên đánh đố HS...

(còn nữa)

Thu Hương