Hàng Việt vào chuỗi cung ứng quốc tế
Ở thời điểm này, Việt Nam đang có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với các đối tác trong và ngoài nước.
Nhà bán lẻ ngoại đánh giá cao hàng Việt
Nhận định về sản phẩm “made in Vietnam”, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: Năm nay bao bì, mẫu mã của hàng Việt Nam tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan đã bắt mắt hơn so với các năm trước. Các sản phẩm như: King Coffee, Trung Nguyên, Bibica, Acecook, Vifon... được bày bán tại siêu thị Central Group Thái Lan. Phía Central Retail cho hay, sẽ tiếp tục hỗ trợ để sản phẩm Việt Nam được bày bán nhiều hơn tại hệ thống của Central Group ở nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 21,6 tỷ USD năm 2022. Dư địa cho hàng hóa Việt tại thị trường Thái còn rất nhiều. Đại diện Bộ Công thương hy vọng, với lợi thế khoảng cách địa lý rất gần cũng như văn hóa tiêu dùng tương đồng, hy vọng sản phẩm Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn nữa trên kệ hàng của hệ thống siêu thị tập đoàn Central Group.
Hiện hàng Việt xuất khẩu qua chuỗi GO và Tops Market (Thái Lan) đạt 46 triệu USD/năm, xuất khẩu qua chuỗi bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đạt 250 triệu USD/năm.
Kỳ vọng và đánh giá cao các sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Việt, song ông Yuichiro Shiotani - Tổng giám đốc công ty TNHH AeonTopvalu Việt Nam cũng như đại diện Aeon Topvalu chia sẻ, nhu cầu thị trường, những yêu cầu cụ thể của chuỗi siêu thị tại từng thị trường cũng như nhiều kinh nghiệm quý báu để DN Việt có thể tiếp cận sâu hơn, gia tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu vào chuỗi hệ thống của Tập đoàn.
Nói về việc đưa hàng Việt qua hệ thống Aeon, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đã có nhiều DN đủ tầm, đủ năng lực, được đầu tư bài bản với công nghệ sản xuất tiên tiến. Vì vậy, DN Việt Nam có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và tại hệ thống Aeon nói riêng. Để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Aeon, trong thời gian qua Tập đoàn Aeon đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương triển khai các nghiên cứu thị trường, lựa chọn những DN có mặt hàng phù hợp với thị trường Nhật Bản. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Nhật Bản.
Mở rộng chuỗi tiêu thụ hàng hóa với các nước
Không chỉ là Central Group, Aeon, Walmart - chuỗi đại siêu thị khổng lồ, các tập đoàn đa quốc gia khác cũng rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Năm 2022 có tới 100 đoàn DN quốc tế đến tìm hiểu môi trường đầu tư, mong muốn kết nối với DN trong nước. Theo ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, Việt Nam đang có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với các đối tác trong và ngoài nước. Để đưa hàng vào hệ thống của các tập đoàn đa quốc gia, DN phải quan tâm đến chất lượng, bao bì đóng gói và tham gia tích cực vào các hoạt động xúc tiến để quảng bá sản phẩm.
Đánh giá cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại các nước, ông Tạ Hoàng Linh cho rằng: Sau đại dịch, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dang hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Trong khi đó ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn cũng đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững. Điều đáng mừng, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Về diễn đàn xuất khẩu mới tổ chức, ông Hải cho biết, diễn đàn năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE)… cùng hàng trăm DN, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thống kê của Bộ Công thương, trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD giúp Việt Nam xuất siêu 20,19 tỷ USD. Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng DN.