Chung tay vì sự phồn thịnh của quê hương

Nguyễn Chung (thực hiện) 19/09/2023 06:27

Trong những năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các mặt về kinh tế - xã hội. Trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp rất quan trọng của 154 nghìn đồng bào Công giáo, thuộc Giáo phận Thanh Hóa.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa về những đóng góp của đồng bào Công giáo.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy.

PV: Thưa bà, xin bà chia sẻ về những đóng góp của đồng bào Công giáo vào thành tựu chung của tỉnh trong thời gian qua?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Những năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường hướng hành đạo đã được Giáo hội Công giáo Việt Nam xác định: Đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc, cùng chia sẻ với những khó khăn của xã hội, coi đó như một công việc của chính mình.

Từ đó, các linh mục, tu sĩ, nữ tu và đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phát động. Tiêu biểu như: Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo không để ai ở lại phía sau”...

Nhiều khu dân cư của đồng bào Công giáo trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác khuyến học, chăm lo sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng bà Phạm Thị Thanh Thủy và các linh mục tại Giáo xứ Thanh Hóa trong dịp đến thăm khu tái định cư của đồng bào sinh sống trên sông tại huyện Thiệu Hóa.

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có những giải pháp nào nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ bà con giáo dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thưa bà?

- Tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ bà con giáo dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nổi bật như: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể luôn tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt theo đúng các quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm, Ban Dân vận cấp ủy, MTTQ các cấp tham mưu tổ chức các Hội nghị biểu dương “người tốt, việc tốt” trong đồng bào tôn giáo, nhằm tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 16 mô hình “Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa”.

Đặc biệt, trong công tác chăm lo đời sống đồng bào có đạo, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào sinh sống trên sông, sau 20 năm triển khai Chỉ thị 08 “Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, Thanh Hóa hiện đã vận động, cấp đất, hỗ trợ xây dựng được 812 căn nhà cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông, trong đó chủ yếu là đồng bào các tôn giáo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc rà soát, bố trí đất ở cho các hộ đồng bào sinh sống trên sông; hướng dẫn về thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, miễn giảm tiền sử dụng đất.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đến nay, toàn tỉnh đã có 162 hộ được cấp đất với diện tích 18.850m2. MTTQ và các đơn vị đã huy động nguồn kinh phí hỗ trợ xây nhà cho đồng bào sinh sống trên sông được 23.676 tỷ đồng, xây dựng 143 nhà Đại đoàn kết và tranh thủ vận động các giáo xứ, linh mục, giáo dân, nhân dân chung tay chăm lo hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào nghèo sinh sống trên sông chuyển đổi nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế lâu dài…

Để tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào giáo dân, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cần làm những gì trong thời gian tới, thưa bà?

- Trong thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ thường xuyên tiếp xúc, tăng cường đối thoại, lắng nghe, tìm hiểu để nắm chắc tình hình, tập hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng; kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo. Thường xuyên chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của các chức sắc, chức việc Công giáo; phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong đồng bào có đạo. Tăng cường tập hợp thu hút các cá nhân tiêu biểu trong Công giáo tham gia Ủy ban MTTQ, Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể và HĐND các cấp với số lượng và cơ cấu phù hợp...

Cùng với các nhiệm vụ nêu trên, chúng tôi cũng động viên các tổ chức của cộng đồng Công giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trách nhiệm trong việc hướng dẫn chức sắc, chức việc tín đồ thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật...

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Chung (thực hiện)