Thực hiện nghị quyết của Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà Nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 (trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).
Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thuý Ngần nêu lên những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện của các cơ quan liên quan.
Đơn cử, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có hạn chế: tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để...
Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố hằng năm vẫn chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn trường hợp đình chỉ điều tra, một số vụ án còn phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần hoặc phải hủy án điều tra, truy tố, xét xử lại. Đáng chú ý, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, trong lĩnh vực tư pháp, Chính phủ cần báo cáo bổ sung, làm rõ thêm về tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Từ đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể theo đúng yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội, và thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các lĩnh vực được nêu trong nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, những hạn chế xoay quanh 3 chữ: “chậm”, “nợ”, “sót”. Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc về thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành. Tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, công tác lập và xây dựng quy hoạch.
Kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, rà soát, bổ sung hoàn thiện báo cáo trước ngày 26/9. Các Báo cáo thẩm tra, báo cáo tổng hợp cần đánh giá khách quan, toàn diện làm rõ kết quả đạt được, mặt tồn tại, hạn chế, rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Khắc phục bất cập trong công tác lưu trữ
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Trình bày tờ trình của Chính phủ, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Dự thảo luật gồm 9 chương, 54 điều. Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; về lưu trữ tài liệu điện tử; quy định về hoạt động lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật. Việc sửa đổi luật cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần rà soát tính đồng bộ, thống nhất các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt Việt Nam là thành viên của một số tổ chức lưu trữ quốc tế như: Hội đồng Lưu trữ quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo rà soát các chương các điều chưa thống nhất trong dự thảo luật, càng cụ thể hóa các nội dung càng tốt, tránh quy định chồng chéo. Đồng thời rà soát, xem xét quy định về tài liệu lưu trữ lịch sử, tài liệu điện tử và tài liệu số, về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng luật pháp.
Trước khi phiên họp diễn ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng do vụ cháy chung cư mini ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội xảy ra vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13/9, và các nạn nhân bị thiệt mạng tại Lào Cai do lũ cuốn, sạt lở đất.