Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Mô hình giảm nghèo là các hình thức, phương thức, giải pháp hỗ trợ các nguồn lực để người nghèo, cộng đồng nghèo tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, thu nhập tốt, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Văn phòng quốc gia về giảm nghèo thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án) để hướng dẫn về quy trình và cách thức tổ chức thực hiện dự án cho cán bộ quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp, chủ yếu là cấp tỉnh, huyện và xã, thuộc cơ quan chủ chương trình và các cơ quan, đơn vị chủ trì, thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (gọi tắt là sổ tay) gồm ba phần chính. Phần thứ nhất giới thiệu một số khái niệm, nội dung, phạm vi, các nguyên tắc, quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện dự án. Phần thứ hai hướng dẫn các bước xây dựng, phê duyệt dự án. Phần thứ ba hướng dẫn cụ thể các bước để tổ chức thực hiện dự án. Sổ tay nêu rõ, mô hình giảm nghèo là các hình thức, phương thức, giải pháp hỗ trợ các nguồn lực để người nghèo, cộng đồng nghèo tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, thu nhập tốt, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia là việc sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho các đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia.
Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù.
Đối tượng hỗ trợ gồm 2 nhóm chính.
Trước hết là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia.
Cùng với đó là hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển dự án.
Trước đó, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cũng đã xây dựng và ra mắt cẩm nang về cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ấn bản điện tử.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết năm 2021, tính theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016-2020, trên toàn quốc có 609.049 hộ nghèo và 850.202 hộ cận nghèo. Đầu kỳ năm 2022, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, cả nước còn 1.330.148 hộ nghèo và 1063.184 hộ cận nghèo. Ước tính, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.