Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Phòng, chống tảo hôn trên nền tảng mạng xã hội
Dù ở vùng sâu, vùng xa, mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Nhiều cơ quan đã triển khai công tác truyền thông về dân số, trong đó có ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua mạng xã hội để cung cấp thông tin, cảnh báo những hậu quả có thể xảy ra khi kết hôn sớm.
Sốp Cộp là huyện biên giới nằm ở phía Tây Nam tỉnh Sơn La. Đây cũng là địa bàn có tình trạng tảo hôn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp, năm 2022, toàn huyện có 33 cặp tảo hôn. Trong đó, xã Sam Kha là một trong những điểm nóng. Lứa tuổi tảo hôn từ 13-17 tuổi. Một trong những lý do “thúc đẩy” tảo hôn chính là mạng xã hội.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Trung học và Trung học cơ sở Sam Kha Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Nhiều em sử dụng Zalo, Facebook... nên bước vào chuyện tình cảm nam nữ quá sớm. Vì vậy, trước thực trạng có thể gia tăng tảo hôn, trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về phòng, chống tảo hôn. Do việc tiếp cận mạng xã hội đối với các em học sinh còn có nhiều bất cập, nên đã trở thành một trong các nguyên nhân khiến cho nạn tảo hôn gia tăng. Đây không chỉ là vấn đề ở Sốp Cộp mà còn xảy ra ở nhiều địa bàn khác, nhất là các huyện vùng cao của Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang...
Mặc dù có những mặt trái nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng đem lại nhiều lợi thế trong công tác tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đang thực hiện các biện pháp tổng hợp để đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua hoạt động phát tờ rơi, tổ chức nói chuyện về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức các mô hình phòng, chống… Một trong những giải pháp mới được áp dụng chính là sử dụng Facebook, Zalo.
Ông Phương Quốc Khải - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Yên cho biết, các ngành, đoàn thể của Văn Yên đang tập trung tuyên truyền đến các nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên, đồng thời phát huy hiệu quả tuyên truyền của mạng xã hội Facebook, Zalo. Các đoàn thể trên địa bàn huyện đã thành lập các nhóm Zalo, Facebook tập trung những đối tượng có nguy cơ, nhất là các bé gái, những gia đình có con ở độ tuổi 13-17 để cập nhật thông tin về pháp luật, cảnh báo những hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Cách làm tương tự cũng đang được huyện Si Ma Cai (Lào Cai) thực hiện. Trước đây mạng xã hội là “chuyện của bọn trẻ” thì bây giờ cán bộ cũng phải học sử dụng để thực hiện công tác tuyên truyền. Việc phát huy hiệu ứng tuyên truyền của mạng xã hội Facebook, Zalo đã giúp thu hẹp khoảng cách, cán bộ các cấp đỡ vất vả hơn trong tuyên truyền…
Ngoài hoạt động của các địa phương, không thể không nói đến vai trò của nền tảng ứng dụng Em vui. Nền tảng “Em Vui” là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” do Phái đoàn Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ.
Dự án được Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội phối hợp với tổ chức Plan International tại Việt Nam, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện. Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị trong 3 năm (2020 - 2023) và vừa mới kết thúc vào tháng 6/2023. Trong 3 năm, 17.200 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10-24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của Dự án và 57.400 em là đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác được tiếp cận thông tin. Dự án đã giúp các em sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tảo hôn, mua bán người, an toàn trên mạng, sức khỏe sinh sản cũng như tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
Ngoài website (www.emvui.vn) và ứng dụng điện thoại, “Em Vui” có mặt trên 6 kênh mạng xã hội phổ biến với giới trẻ là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter, tạo cơ hội tiếp cận tối đa với giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.
Những thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là gợi ý để các địa phương khác tiếp tục triển khai, nhân rộng.