Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở bủa vây - Bài cuối: An cư cho người dân vùng sạt lở
Chương trình xây dựng cụm - tuyến dân cư vượt lũ từ năm 2001 đến nay đã giúp hàng trăm nghìn người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được sống trong những ngôi nhà an toàn. Trước thực trạng sạt lở ngày càng gia tăng ở ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm nhiều cụm – tuyến dân cư tương tự để di dời người dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng, phải rút kinh nghiệm những bất cập để an cư không chỉ là chỗ ở an toàn…
Có nhà nhưng người dân không vào ở
Đa phần người dân ở ĐBSCL có tập quán xây dựng nhà ở ven sông, kênh rạch, bởi tập quán này gắn liền với sinh kế, thuận lợi trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làm nông nghiệp…Trong khi đó, khu vực ven sông, kênh, rạch thường có nền đất yếu, khả năng chịu tải kém. Do mực nước sông, kênh, rạch xuống thấp trong những năm gần đây nên sạt lở rất dễ xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Vì vậy, việc di dời, tái định cư để đảm bảo cuộc sống ổn định cho những người dân vùng sạt lở là việc phải làm. Tuy nhiên, cần phải có sự tính toán dựa trên kinh nghiệm rút từ những bất cập ở khu dân cư vượt lũ. Đơn cử như tại Long An, hơn 20 năm qua, chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh đã giúp hàng nghìn gia đình được an cư. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ dân khi nhận nhà lại phải tha hương cầu thực.
Ghi nhận của PV tại tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ (xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), không ít căn nhà đã được xây dựng xong nhưng cửa đóng then cài. Một số căn bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy. Theo người dân nơi đây, vì không có đất đai nên hầu hết thanh niên hoặc người đang độ tuổi lao động ở tuyến dân cư vượt lũ này đều đã lên TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... để tìm việc. Đa số những người còn bám trụ lại tại cụm dân cư này đều là người già hoặc người không có khả năng lao động.
“Ở đây có việc gì để làm đâu. Đa số người trẻ đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tìm việc. Vợ chồng con trai tôi cũng lên Bình Dương làm công nhân. Ở đây chủ yếu còn người già và trẻ nhỏ. Ba mẹ chúng nó đi làm xa gửi tiền về cho ăn học. Có hộ đi làm nhiều năm có tiền về xây, sửa lại nhà cửa” - bà Nguyễn Thị Nhờ (ngụ tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ) chia sẻ.
Cũng theo một số người dân, ngoài việc khó mưu sinh thì con em nơi đây còn khó khăn trong việc đến trường bởi trường học cách tuyến dân cư hơn 10km, hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường nên nhiều em nhỏ phải nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ mưu sinh.
Theo thống kê, tỉnh Long An có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với tổng số gần 34.000 căn nhà. Tuy nhiên, hiện có 339 căn nhà bỏ hoang trên cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Thủ Thừa.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, phần lớn nhà bỏ hoang là của các trường hợp hộ nghèo, không có đất sản xuất trong khi các giải pháp tạo việc làm cho người dân chưa mang lại hiệu quả cao nên khó thu hút người dân vào ở. Hiện Sở Xây dựng tỉnh Long An cũng đang tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh Long An chỉ đạo UBND các huyện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đối với các cụm, tuyến dân cư vượt lũ còn trống nền để bố trí các điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người dân.
“Trong thời gian tới, tỉnh có chủ trương chuyển đổi công năng một số cụm, tuyến dân cư sang các công trình chức năng khác như công trình phúc lợi công cộng, các cơ sở nghiên cứu, trạm và trại chuyên dùng cho ngành nông nghiệp... Đồng thời sẽ ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu để xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong cụm, tuyến dân cư nhằm sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho cụm, tuyến dân cư vượt lũ” - ông Hùng thông tin.
Cũng như Long An, tỉnh Hậu Giang có 10 cụm tuyến dân cư vượt lũ với 3.707 lô nền, đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của người dân tái định cư. Tuy nhiên, tương tự như một số địa phương khác, không ít các hộ dân tại Hậu Giang vẫn chưa an tâm khi vào ở trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.
Ông Nguyễn Công Tâm - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là chương trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa tổng hợp về nhiều mặt. Việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ mang ý nghĩa thiết thực, bảo vệ được tính mạng, tài sản và giải quyết kịp thời nhu cầu về nhà ở của người dân vùng lũ.
“Một số hộ dân chưa an tâm vào ở trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ có nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu do điều kiện, tập quán mưu sinh gắn liền với nghề ở sông nước (chài lưới, bắt cá…); giờ không có việc làm ổn định khi vào sống trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người dân” - ông Tâm nói.
An cư phải gắn với lạc nghiệp
Cũng theo ông Tâm, ngoài các khu dân cư vượt lũ được bố trí, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát nhu cầu xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 kéo dài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và đã tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, dự kiến đầu tư 5 dự án, đáp ứng 1.150 hộ cần được bố trí di dời, với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng.
Nói về giải pháp giúp người dân an cư, lạc nghiệp, ông Tâm cho biết, đối với các khu dân cư vượt lũ đã hình thành, kiến nghị các địa phương quan tâm tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch xây dựng, đảm bảo lồng ghép các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là các công trình dịch vụ, sản xuất tạo được việc làm phù hợp cho người dân vùng lũ. Tranh thủ mọi nguồn lực của tỉnh để tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cải tạo môi trường tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề phù hợp cho người dân khi di dời về sinh sống trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi đầu tư trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để thu hút các doanh nghiệp sản xuất tham gia, tạo việc làm ổn định cho các hộ dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, nhằm thay đổi tư duy, tập quán nghề nghiệp và an tâm sinh sống trong các cụm, tuyến dân cư.
“Đối với các khu mới (dự kiến) đề nghị các địa phương khảo sát lựa chọn vị trí phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo khi đầu tư sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi bố trí các đối tượng vào sinh sống” - ông Tâm nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL, việc di dời hạ tầng và tái định cư người dân sớm, trước sạt lở sẽ ít thiệt hại hơn sau khi sạt lở đã xảy ra rồi. Tuy nhiên, việc tái định cư phải kèm hỗ trợ ổn định sinh kế cho người dân ở nơi ở mới để bà con có thể yên tâm an cư lạc nghiệp.
Cùng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp – chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để người dân an cư thì ngoài vấn đề nhà cửa, thì các yếu tố an sinh cũng cần phải tính tới. Ngoài ra, cần tính toán đưa thêm đối tượng bị ảnh hưởng của sạt lở vào diện được ưu tiên mua nhà ở xã hội để góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho những trường hợp này. “Thay vì nhà ở xã hội chỉ tính cho công nhân, cho người nghèo thì xác định thêm đối tượng ưu tiên cho những người dân bị ảnh hưởng của sạt lở. Như vậy ngân hàng có cơ sở cho họ vay để mua nhà” - ông Hiệp nêu quan điểm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư… Tình trạng sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).