Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng sau gần một năm thi công: Phát sinh nhiều khó khăn

Lê Khánh 20/09/2023 10:53

“Tại dự án này cũng có một số khó khăn phát sinh như hiện tượng cát chảy, khi đào hầm, cống. Đơn vị tiến hành đề xuất cấp phép khắc phục bằng cách đóng 350 cọc ván thép, giữ thành vách hai bên", ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc Ban điều hành dự án chia sẻ.

Đầu tháng 10/2022, UBND TP Hà Nội đã tiến hành khởi công hầm chui qua nút giao Giải Phóng - Kim Đồng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai. Dự án có tổng mức đầu tư 778 tỷ đồng sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội. Hầm chui có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890m theo hướng đường Vành đai 2,5.

Vị trí xây hầm ở ngã 3 Giải Phóng-Kim Đồng. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Quốc lộ 1A, cách điểm giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m, địa phận quận Hoàng Mai; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn.

Dự án hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, sau gần một năm thi công, dự án đã hoàn thành một số hạng mục. Hàng chục công nhân, cùng máy móc trên công trường đang hối hả thi công.

Sau gần một năm triển khai, ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc Ban điều hành dự án cho hay, dự án được chia thành 3 vùng gồm vùng phía Đầm Hồng, vùng Đường sắt và vùng phía Kim Đồng. Đến thời điểm hiện tại dự án đã triển khai được 16%. Đơn vị đã đào được 7 đốt hầm và triển khai thi công kết cấu 5 đốt. Hiện vẫn còn 2 đốt hầm đang chờ bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, hiện nay tại vùng Đầm Hồng dự án cũng đã gặp một số khó khăn khi triển khai thì xuất hiện tình trạng một số hộ dân lấn chiếm vào mặt bằng thi công dự án. Bên cạnh đó, dự án nằm trong khu vực có nhiều công trình ngầm nổi, nhiều đường dây điện, cáp quang là trục chính và địa chất đất đặc thù đất sét, dẻo tác động không nhỏ đến tiến độ dự án.

Khi đào hầm, cống, dự án gặp hiện tượng cát chảy.

“Tại dự án này cũng có một số khó khăn phát sinh như hiện tượng cát chảy, khi đào hầm, cống. Đơn vị tiến hành đề xuất cấp phép khắc phục bằng cách đóng 350 cọc ván thép, giữ thành vách hai bên. Để lấy lại tiến độ đã chậm, đơn vị chúng tôi tiến hành tăng cường nhân lực, máy móc thi công liên tục ngày đêm. Hiện tiến độ dự án vẫn đang trong tầm kiểm soát của nhà thầu.” - ông Hồ Đức Phúc chia sẻ.

"Dự án đang gặp phải một số khó khăn do mặt bằng chưa được bàn giao hết tại vùng Kim Đồng như khu vực nhà hàng Nam Sơn và Công ty Vinaphone", ông Phúc nhấn mạnh.

Các công nhân hối hả thi công các hạng mục của dự án.

Ông Nguyễn Thành Luân, Trưởng Ban điều hành dự án đoạn qua đường sắt chia sẻ, hiện tại, đơn vị đã được Cục Đường sắt cấp giấy phép thi công và Tổng công ty CP Đường sắt Việt Nam bàn giao mặt bằng. Việc thi công khu vực này sẽ khó khăn hơn các khu vực khác vì vừa thi công vừa phải đảm bảo việc an toàn chạy tàu và hoạt động của nhà ga Giáp Bát.

"Đơn vị đã nghiên cứu và đề nghị với chủ đầu tư điều chỉnh biện pháp thi công. Dự kiến, đầu tháng 10, đơn vị sẽ tiến hành thi công các đốt hầm qua đường sắt", ông Luân cho hay.

Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng phải thi công qua đường sắt, mặt bằng chật hẹp khiến dự án cũng gặp khó khăn.

Cũng theo ông Luân, phương án thi công cũ vùng đường sắt sẽ được chia làm đốt hầm chạy dọc trên 6 lai đường sắt, sẽ cắt từng lai đường sắt để triển khai đào hở từng đốt. Còn phương án mới đang được đề xuất, đơn vị thi công tiến hành triển khai thi công hệ cầu tạm, đỡ toàn bộ 6 lai đường sắt và đào một lần, thi công bên dưới đường sắt.

“Phương án thi công mới sẽ có ưu điểm hạn chế tối đa đến vận tải đường sắt và rút ngắn rất nhiều thời gian thi công. Theo phương án cũ, việc thi công hầm tại vùng đường sắt sẽ mất 20 tháng. Khi áp dụng phương án mới, thời gian được rút xuống còn từ 10 đến 12 tháng và không tăng chi phí thi công. Đồng thời phương án thi công cũng cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến tuyến đường sắt đô thị số 1.

Nếu áp dụng phương án thi công lắp cầu tạm, sẽ phải tạm dừng hoạt động đường sắt khoảng gần 100 lần mỗi lần 3 đến 4 giờ đồng hồ. Theo phương án mới, vùng đường sắt của dự án có chiều dài 54m sẽ chỉ còn 3 đốt hầm lớn thay vì 14 đốt hầm nhỏ như trước đây. Việc sử dụng các đốt hầm lớn cũng sẽ đảm bảo an toàn cũng như tăng tính kết nối đối với các đốt hầm hơn so với phương án thi công các đốt hầm nhỏ", ông Luân khẳng định.

Để chạy đua với tiến độ hoàn thành, ông Hồ Đức Phúc cho hay, hiện nay nhà thầu huy động 120 công nhân thi công 3 ca liên tục. Dự kiến hết năm 2023, đơn vị sẽ hoàn thành vùng Đầm Hồng. Ngay sau khi hoàn thành vùng Đầm Hồng, đơn vị sẽ luân chuyển toàn bộ hệ thống máy móc, nhân lực thi công vùng Kim Đồng.

Hiện nay nhà thầu huy động 120 công nhân thi công 3 ca liên tục.
Đến thời điểm hiện tại dự án đã triển khai được 16%.
Đơn vị đã đào được 7 đốt hầm và triển khai thi công kết cấu 5 đốt.
Hiện vẫn còn 2 đốt hầm đang chờ bàn giao mặt bằng.
Dự kiến hết năm 2023, đơn vị sẽ hoàn thành vùng Đầm Hồng.
Vùng Kim Đồng, công tác xén hè, di dời các công trình ngầm, nổi cũng đang được thực hiện.

Lê Khánh