Chờ quy định mới, trường đại học có tăng học phí trong năm 2023?

Nguyễn Hoài 20/09/2023 12:12

Trong khi chờ Chính phủ đưa ra quyết định về học phí đại học, nhiều trường vẫn tạm thu học phí năm 2023 bằng mức năm ngoái.

Đề xuất tăng học phí đại học

Bộ GDĐT vừa có tờ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước. Theo đó, Bộ GDĐT đề xuất Chính phủ cho phép tăng học phí bậc đại học.

Theo đề xuất của Bộ GDĐT, trường công lập chưa tự chủ, học phí áp dụng cho năm 2023-2024 cao nhất là nhóm ngành Y dược là 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các ngành sức khỏe khác là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các khối ngành học còn lại dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,45 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Mức học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập dự kiến.

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng từ 2 đến 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 triệu đến 6,125 triệu đồng/tháng.

Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định này được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021, tuy nhiên từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức học phí của cơ sở giáo dục công lập vẫn được giữ ổn định, không tăng trong 3 năm học vừa qua.

Các trường thu học phí thế nào?

Theo Bộ GDĐT, thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đề nghị được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu học phí năm 2023-2024 thực hiện theo mức quy định tại Nghị định số 81 sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh.

Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Theo đó, hầu hết thống nhất đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022-2023 nhưng có thể chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đối với người học, việc lùi 1 năm tăng học phí so với quy định sẽ giảm áp lực tài chính cho người học.

Trước đó, tại Thông báo số 300/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có nội dung đề nghị các nhà trường “không tăng học phí năm học 2023 – 2024”.

Thực hiện yêu cầu này, theo ghi nhận, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí theo hướng không tăng trong năm 2023, trong khi trong đề án tuyển sinh năm nay, hầu hết các trường đều dự kiến tăng.

Tới thời điểm này, hầu hết các thí sinh là hoàn tất tủ tục nhập học. Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, sinh viên trúng tuyển năm 2023 tạm đóng 6 triệu đồng. Trong đó, học phí là hơn 4,4 triệu đồng; tiền mua Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, phí khám sức khoẻ 391.500 đồng, phí tham dự kiểm tra tiếng Anh đầu vào 350.000 đồng, áp dụng đối với sinh viên thuộc diện cần kiểm tra năng lực tiếng Anh.

Theo đề án tuyển sinh năm nay, Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến thu học phí chương trình chuẩn dao động 23-29 triệu đồng một năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, sau yêu cầu của Chính phủ, trường đã quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I như hai năm qua.

Tương tự, nhiều trường đại học cũng đưa ra mức tạm thu học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024 bằng năm ngoái, thấp hơn mức thu dự kiến, như: Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh tạm thu học phí học kỳ I bằng năm ngoái là 13,75-36 triệu đồng; Trường Đại học Ngoại thương thu từ 10 - 35 triệu đồng; Học viện Ngoại giao thu từ 9,5 - 20,75 triệu đồng.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng thông báo dừng tăng học phí và thu khoảng 10,6 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến.

Theo các trường, học phí đang được các trường tạm thu mức thấp hơn so với đề án tuyển sinh năm 2023 trong lúc đợi Chính phủ có quy định chính thức về mức trần học phí năm học này.

Hiện nay, mức học phí đại học của Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với các trường đại học trong khu vực. Nhiều cơ quan, địa phương và các trường đại học cho rằng, học phí cần được tăng để đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện ngân sách bị cắt giảm.

Mức học phí thấp là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến trình tự chủ đại học bị đình trệ, chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí để đầu tư thu hút giảng viên giỏi, nâng cấp phòng thí nghiệm và tăng cường các dịch vụ phục vụ sinh viên...

Nguyễn Hoài