EVN báo lỗ gần 29.000 tỷ đồng trong 8 tháng năm 2023
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, số lỗ 6 tháng năm 2023 của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng; còn tính đến hết tháng 8/2023 dự kiến ở mức gần 29.000 tỷ đồng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa báo cáo Bộ KH&ĐT về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, số lỗ 6 tháng năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng còn tính đến hết tháng 8/2023 dự kiến ở mức hơn 28.700 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính thêm cả khoản lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá), lũy kế đến tháng 8/2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng hơn 55.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu năm 2023, EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 với dự báo tài chính ảm đạm hơn năm 2022 rất nhiều. Nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành (1.854,44 đồng/kWh), Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong một diễn biến liên quan, EVN có kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào.
Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng như các bộ ngành liên quan, EVN kỳ vọng trong thời gian tới sẽ dần cân bằng được tài chính.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó có nội dung đáng chú ý là cho phép EVN thu hồi khoản chênh lệch tỷ giá, khoản lỗ sản xuất kinh doanh, tính giá điện dựa trên quy định pháp luật.
Theo Bộ Công Thương, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ.
Căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), Bộ này nêu quan điểm, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Vì vậy, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.