Thảm họa kép ở Sudan
Ngày 20/9, thông tin trên tờ The Seattle Times cho biết, hơn 1.200 trẻ em dưới 5 tuổi trong 9 trại tị nạn ở Sudan đã tử vong trong 5 tháng qua, do sự kết hợp chết người giữa dịch bệnh sởi và tình trạng suy dinh dưỡng.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), những trường hợp trẻ em tử vong nói trên được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 15/5 đến 14/9 ở tỉnh While Nile, nơi hàng nghìn người Sudan đã trú ẩn khi giao tranh nổ ra trong hơn 5 tháng qua giữa các lực lượng đối địch ở thủ đô Khartoum và những nơi khác.
Ông Filippo Grandi - Cao ủy UNHCR nói: "Hàng chục trẻ em đang chết mỗi ngày là hậu quả của cuộc xung đột tàn khốc (ở Sudan) và sự thiếu quan tâm của toàn thế giới".
Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ giữa tháng 4, khi căng thẳng âm ỉ giữa quân đội Sudan do Tướng Abdel-Fattah Burhan chỉ huy và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự do Mohammed Hamdan Dagalo chỉ huy, bùng nổ thành nội chiến.
Giao tranh ở Sudan đã biến thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận khác thành chiến trường. Theo ông Volker Perthes - nguyên đặc phái viên Liên hợp quốc tại nước này, ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng và hơn 12.000 người bị thương trong cuộc nội chiến ở Sudan. “Tuy nhiên con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều” - ông Perthes nói.
Cuộc chiến đã tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe của Sudan, với nhiều bệnh viện và cơ sở y tế không còn hoạt động. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, cho biết lực lượng y tế địa phương rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn những ca tử vong tiếp tục xảy ra và sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo cuộc xung đột, cùng với nạn đói, bệnh tật, đi sơ tán và phá hủy sinh kế có nguy cơ tàn phá toàn bộ đất nước Sudan. Theo OCHA, một nửa dân số Sudan (khoảng 25 triệu người) cần hỗ trợ nhân đạo từ nay cho tới cuối năm. Trong đó có tới 6,3 triệu người "đang bên bờ vực của nạn đói".
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cũng cảnh báo, hàng nghìn trẻ sơ sinh có thể chết ở Sudan vì không được tiếp cận điều trị y tế. Nhiều người dân Sudan phải di dời để tránh dịch sởi hoành hành. Họ ra đi trong trạng thái suy dinh dưỡng, đói lả.
Cuộc nội chiến ở Sudan vẫn không có dấu hiệu lắng xuống khi mà các bên không muốn tìm tiếng nói chung. Theo UNHCR, cuối tháng 6 đã có hơn 1 triệu người tản cư qua biên giới của nước này sang các quốc gia khác. Đến nay, con số đó “rất có thể đã tới 2 triệu người”. Người Sudan di tản tránh xung đột vũ trang trong nước đã trốn sang các quốc gia láng giềng, gồm Ai Cập, Cộng hòa Chad, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Ông Raouf Mazou - trợ lý của Cao ủy UNHCR, cho rằng số người di tản, chết vì dịch bệnh và đói có thể sẽ còn gia tăng nếu như súng vẫn không ngừng nổ. Nói với Reuters, ông Mazou cho biết ngày càng có nhiều thường dân Sudan chạy trốn khỏi El Geneina (một thành phố ở Darfur bị tấn công liên tục), đã bị sát hại hoặc bị bắn khi họ cố gắng trốn thoát bằng cách đi bộ đến Chad.
"Rất nhiều phụ nữ và trẻ em hiện đang sơ tán với những vết thương trên cơ thể. Điều đó rất đáng lo ngại" - ông Mazou nói và cho biết thêm, vì là mùa mưa nên việc tiếp cận những người tị nạn Sudan và chuyển họ ra khỏi biên giới vào các trại trú ẩn an toàn ở Chad trở nên rất khó khăn.
Theo Liên hợp quốc, xung đột vũ trang ở Sudan không chỉ tàn phá thủ đô Khartoum mà còn châm ngòi cho các cuộc tấn công sắc tộc ở vùng Darfur. Người dân không còn thời gian để trồng các loại cây lương thực. Nguồn cung cấp y tế đang khan hiếm, sức khỏe người dân suy kiệt.
Bà Elizabeth Throssell - phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc cho biết, giao tranh ở Sudan trên thực tế đã tác động tới nhiều quốc gia châu Phi, trong khi kể từ đầu năm tới nay lục địa này đã lâm vào tình thế thiếu lương thực. Do xung đột vũ trang, Sudan trở thành quốc gia chịu thảm họa kép, có nghĩa là vừa thiếu lương thực vừa bị dịch bệnh dày vò.
“Không chỉ đối với những đứa trẻ còn ở trong nước, mà cả những đứa trẻ đã di tản sang các quốc gia láng giềng đang rất cần được hỗ trợ của thế giới. Đó là miếng ăn hàng ngày và những mũi tiêm để sống sót qua dịch bệnh” - bà Throssell nói.