Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão
Tại Quảng Nam có 73 hồ thủy lợi, trong đó có những công trình xây dựng từ hàng chục năm qua, để đảm bảo các công trình này khi mùa mưa bão đang về, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động kiểm tra, sửa chữa nâng cấp và xây dựng phương án ứng phó bảo vệ công trình.
73 hồ thủy lợi có tổng dung tích hữu ích xấp xỉ gần 500 triệu m3 nước, nhằm mục đích phục vụ cho khoảng 900 nghìn héc ta đất nông nghiệp và nhu cầu đời sống sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản,… của người dân. Thế nhưng hiện nay, nhiều hồ đập được xây dựng lâu đời đã xuống cấp và nhất là đối diện với mùa mưa bão đang đến, do đó ngành chức năng địa phương thực hiện nhiều đợt kiểm tra và đưa ra phương án đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại đập Para xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, đây là hồ được xây dựng cách đây 20 năm. Công trình vừa kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết lũ kết hợp với giao thông nối vùng đông huyện Duy Xuyên với các xã lân cận. Vì vậy nó có một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên do thời hạn sử dụng khá dài, đập Para Duy Thành dần xuống cấp. Do đó trước mùa mưa lũ năm nay, đơn vị quản lý đập Para Duy Thành đã tiến hành sửa chữa những hạng mục bị xuống cấp để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ông Lê Trung Thưởng - Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn xã Duy Thành cho biết: Đập Para được vận hành theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xả lũ, giảm ngập cho xã Duy Thành, thị trấn Nam Phước và các xã lân cận. Thời gian qua con đập có sửa chữa những hạng mục xuống cấp, nhưng do thời hạn sử dụng đã lâu, con đập vẫn còn đó nhiều vết nứt và tiếp tục xuống cấp. Nên về lâu dài đập Para cần các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư nâng cấp.
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Trên địa bàn huyện, ngoài đập Para còn có nhiều công trình thủy lợi lớn như: Đập Thạch Bàn, Vĩnh Trinh và hồ Phú Lộc. Đối với những hồ chứa nước lớn này, chính quyền địa phương đã phối hợp với đơn vị quản lý thường xuyên theo dõi diễn biến, khả năng tích nước, nhất là lượng nước về hồ khi mùa mưa bắt đầu. Đối với hồ có dung tích nhỏ, do địa phương quản lý cũng đã được các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kịp thời xử lý khi có sự cố.
Tại hồ Việt An, hồ Đông Tiễn, hồ chứa nước Thái Xuân, Hồ chứa nước Hố Trầu... thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa đã và đang duy tu sửa chữa và nạo vét kênh mương dẫn nước, đồng thời kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều để đảm bảo an toàn trước mùa mưa sắp tới. Một số công trình hồ đập khác trên địa bàn tỉnh đang thi công, được đơn vị quản lý yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn vượt lũ.
Ông Nguyễn Đức Hải - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Ban quản lý (BQL) dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 17 hồ chứa thuộc Dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập (WB8) được triển khai thi công từ năm 2018, đến nay đã hoàn thành, đảm bảo an toàn vượt lũ; đã bàn giao đưa vào sử dụng 3 hồ chứa và đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng các hồ còn lại.
Theo ông Hải, các hồ chứa như Hồ 3/2; Nước Rin; Đập Quang; Đá Chồng việc di tu sửa chữa đến nay đạt khoảng 40% khối lượng công việc. Dự kiến sẽ thi công hoàn thành các hạng mục chính, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2023.
Ông Đào Văn Thiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện nay công ty quản lý vận hành 17/17 hồ chứa, tại những hồ đập này có trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng để đo mực nước, lượng mưa chủ yếu đo và báo cáo bằng thủ công một số hồ có trạm đo lượng mưa tự động Vrain như: Phú Ninh, An Long, Đông Tiển, Phú Lộc. Hiện nay có 3 hồ đã hoàn thành sửa chữa đưa vào sử dụng gồm: Hồ Khe Tân, Phước Hà, Nước Rôn, còn 7 hồ đang sửa chữa, nâng cấp gồm: Hồ Cao Ngạn, Hố Giang, Thái Xuân, Đông Tiễn…
“Đơn vị cũng kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam, Sở NNPTNT tỉnh quan tâm, xem xét bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp sửa chữa các hố nước như: Phú Ninh, Cây Thông, Việt An, Phú Lộc… Chỉ đạo chủ đầu tư theo dự án WB8 thực hiện các nội dung quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước” - ông Hải nói.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Sở đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã và các đơn vị quản lý hồ thủy lợi tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn chuyên dùng, thông tin vận hành hồ chứa, nhất là đối với các hồ chứa có cửa van để kịp thời tham mưu UBND tỉnh ra quyết định vận hành kịp thời đảm bảo an toàn công trình và hạ du đập.