Mở rộng thanh toán không tiền mặt
Để đạt được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, các chuyên gia cho rằng cần có các biện pháp khuyến khích và tạo thuận lợi để người dân sử dụng dễ dàng, thuận tiện.
Ngân hàng cần nâng cấp hệ thống
Cập nhật số liệu mới nhất về thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng so với cùng kỳ năm trước; qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QRCode tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, tính đến tháng 6/2023, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 10,8 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng phương thức eKYC.
Có thể thấy rằng, thanh toán điển tử không tiền mặt tăng trưởng rất nhanh và phát triển trong mọi hoạt động mua sắm, ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện là một trong các mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu này đang được hiện thực hóa với sự chung tay của các ngân hàng, cùng với tác động từ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt từ các khoản chi tiêu nhỏ lẻ đến các khoản lớn như mua bán nhà đất...
Nhiều khách hàng cũng cho biết thanh toán không dùng tiền mặt xuất hiện ở mọi nơi, có nhiều người đi ra đường chỉ cầm điện thoại và thanh toán. Anh Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) chia sẻ: Giờ mua gói mỳ, cọng rau cũng dùng điện thoại thanh toán. Rất tiện lợi, tuy nhiên cũng vì thế mà đôi lúc phát sinh bất cập. Kể lại trường hợp của mình, anh Linh cho hay, có lần theo thói quen, anh đi siêu thị mua đồ mà không cầm tiền mặt. Vậy nhưng, khi thanh toán, do không thể mở app ngân hàng để chuyển khoản rất nhiều người như anh rơi vào cảnh dở khóc dở cười, hàng mua rồi mà không thanh toán được.
“Tôi dùng tài khoản ngân hàng để thanh toán nhưng app của ngân hàng báo lỗi, hay bảo trì hệ thống nên không thực hiện thanh toán bằng QRCode được. Hàng hóa mua xong lại phải để lại” - anh Linh chia sẻ.
Nhiều người khi được hỏi cũng cho biết, tại những vùng miền xa xôi, các phương tiện thanh toán bằng công nghệ chưa phổ biến thì buộc phải dùng tiền mặt. Do vậy, các ngân hàng cũng cần tính đến việc phổ biển ứng dụng các biện pháp thanh toán không tiền mặt tại các địa điểm này.
Thúc đẩy liên thông các giao dịch thanh toán
Trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng. Trong khi thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao những năm gần đây, song số lượng thẻ tín dụng nội địa mới chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành.
Giới chuyên gia cho rằng thẻ tín dụng đã khá phổ biến tại thành thị nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại vùng nông thôn, nên đây là phân khúc khách hàng tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá. Thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm bởi thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.
Tại sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 với chủ đề “Bứt phá giới hạn” ngày 20/9/2023, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ nỗ lực trình Chính phủ để ban hành Nghị định và tổ chức triển khai Nghị định theo các Thông tư hướng dẫn, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng cho các tổ chức cung ứng dịch vụ, cũng như đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời thúc đẩy việc liên thông các giao dịch thanh toán, kênh thanh toán trên thị trường một cách thống nhất và mở rộng hơn.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh là sẽ tăng cường các giải pháp về công nghệ, đặc biệt sửa đổi Quyết định 630 cho phép các giao dịch thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ được an toàn hơn, nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm người dùng; không vì mục tiêu an toàn làm ảnh hưởng đến sự thuận tiện của khách hàng” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, khi nói đến thanh toán số thì xu hướng hiện nay là mở rộng ra ngoài phạm vi Việt Nam, tương lai sẽ thúc đẩy những tấm thẻ Việt Nam không chỉ sử dụng ở trong nước mà còn có thể thanh toán ở nước ngoài.
“Đây là xu hướng mà chúng tôi đã làm, điển hình là cuối năm 2022, Việt Nam đã kết nối thanh toán với Thái Lan, cho phép khách hàng sử dụng Mobile Banking có thể quét QR Code khi đi du lịch tại quốc gia này. Sắp tới đây, du khách Thái Lan đến Việt Nam cũng có thể được chi tiêu những hàng hóa dịch vụ tại các đơn vị bán hàng ở Việt Nam”.