Hồi sinh công viên
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cố gắng nhằm “hồi sinh” các công viên. Tuy nhiên vẫn còn không ít công viên xuống cấp, thậm chí bị cho thuê nhiều phần diện tích để kinh doanh, trong khi người dân vẫn đang “khát” công viên. Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 phải làm “sống” lại các công viên trên địa bàn, việc này không hề dễ dàng.
Hiện Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích 280ha, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất. Trong đó, 4 quận lõi trung tâm có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08m2/người. Đó là con số ít ỏi đối với một đô thị có đến khoảng 8,5 triệu người.
Nhiều công viên xuống cấp
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc quyết tâm làm sống lại các công viên Thủ đô là rất cần thiết và cũng cần rút kinh nghiệm từ những lần trước. “Nhiều vấn đề chúng ta đặt ra có định hướng tốt nhưng không giám sát, không huy động nguồn lực sẽ không thực hiện được” - ông Nghiêm nói.
Cuối tháng 12/2022, một phần hàng rào sắt tại Công viên Thống Nhất được tháo dỡ, không gian công cộng mở rộng. Công viên Cầu Giấy là công viên lớn tiếp theo thực hiện tháo một phần rào sắt. Nhưng việc hạ rào ở đây vẫn còn dang dở, hàng quán, xe cộ vẫn bao vây phía ngoài. Những đoạn hạ rào sắt chưa có lối đi nên người dân vẫn gặp khó khăn khi phải bước thấp bước cao, lội qua bãi cỏ để có thể tiếp cận với công viên.
Sự quyết tâm của Hà Nội còn được thể hiện trong việc tháo dỡ những công trình vi phạm tồn tại từ lâu thuộc Công viên Tuổi trẻ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Dự kiến, việc xử lý sẽ hoàn thành trong tháng 9 này. Trước đó, công viên này xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm, các hạng mục công trình dở dang trong suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, trong khi lãnh đạo thành phố quyết tâm làm sống lại các công viên thì nhiều công viên vẫn tiếp tục xuống cấp, thậm chí là bị chia nhỏ diện tích nhằm mục đích kinh doanh, gây mất mỹ quan.
Công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) xuống cấp nghiêm trọng, lối đi sụt lún, hàng quán vây quanh từ ngoài vào trong. Ngay cả cổng chính giữa lối vào công viên hiện đã bị các quầy bán bánh trung thu chắn ngang. Phòng bảo vệ trở thành quầy bán bánh mì. Đi sâu vào bên trong là sự ngổn ngang của các quán bia, hàng ăn, quán café…
Cách đó chừng 3km là Công viên Chu Văn An (Thanh Trì) vốn được kỳ vọng là “lá phổi xanh” mang lại bầu không khí trong lành cho cư dân khu vực Tây Nam Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều năm công bố quy hoạch thì đến nay lại đang trở thành một màu xanh hoang phế. Cỏ dại um tùm, nhiều chỗ bị rác thải bủa vây.
Còn Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) được thi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, sau 7 năm thi công, công viên này vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Hiện xung quanh công viên đã được quây kín bằng những tấm tôn đã bạc màu cao chừng 2-3m, là nơi phóng uế của một số người thiếu ý thức.
Bách Thảo - một công viên thuộc diện lâu đời nhất tại Hà Nội cũng xuống cấp. Những tác phẩm điêu khắc hoen rỉ, biến dạng. Hạng mục cầu nối ra đảo tròn đã bị mục nát. Hiện lối vào đã bị khóa, biển báo chỉ là tờ giấy photo tạm bợ thông báo “cầu yếu vui lòng không qua”...
Ưu tiên nguồn lực, quỹ đất cho công viên, vườn hoa
KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, suốt một thời gian dài, vai trò của công viên tại Hà Nội bị coi nhẹ. Công viên, vườn hoa đã ít nhưng lại bị “xà xẻo” cho những cá nhân làm nhà hàng để kinh doanh.
Theo ông Đức, hãy đưa những công viên đang có trở về đúng nghĩa. Cùng với đó, cần phát triển hệ thống công viên một cách tích cực nhất tạo thành những không gian tiện ích cho cộng đồng.
Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch công viên cây xanh, vườn hoa nhưng thiếu nguồn lực thực hiện.
“Một số công viên hình thành, xen cài cùng với các khu đô thị lại giao cho các chủ đầu tư quản lý, mà như vậy thì rất khó kiểm soát. Nếu để chủ đầu tư quản lý sẽ có lợi ích kinh doanh riêng. Nhìn chung cần phải huy động nhân dân tham gia để quản lý công viên. Chúng ta phải vừa bảo tồn khai thác có hiệu quả công viên cũ đồng thời đầu tư phát triển công viên mới” - ông Nghiêm nói.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch công viên nói riêng, các thiết chế văn hóa nói chung. Trong đó có hệ thống công viên, vườn hoa. Quy hoạch đất cho công viên trong lâu dài, ưu tiên nguồn lực, có cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, khai thác. Quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống công viên hiện có bảo đảm đồng bộ trong quản lý, gắn kết các đơn vị liên quan.
Cần sự chung tay và triển khai đồng bộ
Theo KTS Đặng Việt Dũng - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), công viên được trả lại đúng giá trị của nó sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều công viên. Không chỉ thiếu mà chức năng của nó cần phải được đánh thức. Vậy làm thế nào để người dân có thể xử dụng không gian cây xanh một cách thường xuyên và hiệu quả? Đây là sự mong mỏi cũng như câu hỏi được đặt ra. Câu chuyện công viên trên địa bàn thủ đô bị xé nhỏ kinh doanh, bị bỏ hoang đã diễn ra lâu nay. Theo như quy hoạch thì rất là tuyệt vời, có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhưng bằng lý do nào đó nó lại không đươc sử dụng một cách đồng bộ dẫn đến xuống cấp và sử dụng sai mục đích. Đó là điều rất đáng tiếc, rất cần sự vào cuộc xử lý của các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn cũng như tiếng nói của các nhà khoa học.
Việc đánh thức công viên cần diễn ra đồng bộ và rất nhiều khâu từ các nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà khoa học… và đến chính từ người dân. Nhu cầu của người dân cũng cần được đánh thức để họ hiểu rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng không gian xanh công cộng.