Dịch đau mắt đỏ gia tăng
Trong 1 tháng trở lại đây, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) tăng cao, có nơi tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đáng chú ý, dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn, nhiều ca có biến chứng nặng và lâu khỏi.
Ghi nhận từ Bệnh viện Mắt trung ương, gần 1 tháng nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 đến 3.000 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt. Trong đó, số bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ chiếm 10%. Trung bình mỗi tuần có khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám. Riêng tuần vừa qua con số lên tới hơn 800 ca. Nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ với biến chứng mờ mắt kéo dài cả tháng.
Còn tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20 - 30 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ, trong đó có từ 5 - 7 bệnh nhân gặp biến chứng nặng. Theo các bác sĩ, trong số các ca biến chứng nặng, nhiều trường hợp do tự ý sử dụng thuốc chứa thành phần corticoid.
Tại TPHCM, theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 71.740 trường hợp đau mắt đỏ đến các bệnh viện khám. Đáng chú ý, trong những ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số các ca mắc có khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em.
Báo cáo của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, từ đầu tháng 9 tới nay, bệnh viện đã ghi nhận 22.444 trường hợp viêm kết mạc cấp khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có 11.572 trẻ em, chiếm tỷ lệ 51,5%. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng thông tin, qua báo cáo của 17 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, đến nay tỉnh ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ...
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre, tính từ ngày 11 - 19/9, toàn tỉnh ghi nhận 4.718 ca đau mắt đỏ ở 301 cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trong đó, 2 ngày 18 và 19/9, ghi nhận số ca đau mắt đỏ vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày. Cụ thể, ngày 18/9, Bến Tre có 1.268 ca (tập trung nhiều tại huyện Ba Tri với 297 ca, huyện Mỏ Cày Bắc có 217 ca, huyện Châu Thành có 179 ca…); ngày 19/9 có 1.191 ca (nhiều nhất là huyện Ba Tri với 284 ca, TP Bến Tre là 201 ca, huyện Bình Đại là 192 ca...).
Theo PGS.TS. Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt trung ương), đau mắt đỏ làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn. Bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.
Đặc biệt, BS Lương Đại Dương - Bệnh viện Mắt Hà Nội nêu thực trạng, đã có không ít trẻ bị ảnh hưởng thị lực do cha mẹ tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh điều trị đau mắt đỏ cho trẻ. Khi sử dụng thuốc chứa thành phần corticoid kéo dài có thể gây viêm loét giác mạc, bệnh glocom gây mù lòa... Tại Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp lạm dụng tự ý nhỏ thuốc, sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài, sau đó thị lực của trẻ bị mất thì mới đưa đến viện điều trị.
Trong bối cảnh học sinh đã bước vào năm học mới, các chuyên gia đánh giá, nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ ở các trường học là không nhỏ. Trước nguy cơ bệnh đau mắt đỏ lây lan ở học đường, ngành y tế Hà Nội và TPHCM đã có chỉ đạo cụ thể về công tác phòng, chống dịch.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, đề nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học. Quán triệt cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Không để dịch bùng phát và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. Đồng thời, kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể phòng, chống dịch bệnh trong trường học năm học 2023 - 2024. Các trường cũng được yêu cầu tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các biện pháp, phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên bảng tin, website của nhà trường.
5 bước nhỏ thuốc mắt đúng cách
- Bước 1: Rửa tay sạch. Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
- Bước 2: Dùng ngón trỏ kéo nhẹ mi dưới xuống.
- Bước 3: Bóp nhẹ chai thuốc, nhỏ 1 giọt thuốc vào cùng đồ dưới. Tránh để chai thuốc chạm vào mắt, mi mắt hay ngón tay.
- Bước 4: Nhắm mắt nhẹ nhàng, dùng tay đè nhẹ vào góc trong mắt.
- Bước 5: Dùng khăn giấy lau nhẹ phần thuốc tràn ra ngoài mi mắt.
Lưu ý: Nếu sử dụng kính áp tròng thì nên tháo kính, nhỏ thuốc sau đó đợi ít nhất 15 phút trước khi đeo kính lại.