Hơn 3.000 ca đau mắt đỏ, Cà Mau khẩn trương phòng chống dịch
Tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 3.000 ca bệnh đau mắt đỏ, tập trung ở 3 địa phương là huyện U Minh, TP Cà Mau, huyện Cái Nước. Các đơn vị y tế đang nỗ lực thực hiện biện pháp phòng và chống dịch.
Số trường hợp dau mắt đỏ tăng đột biến trong khoảng 1 tuần gần đây. Số lượng không nhỏ các trường hợp là trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học nên khả năng lây lan rất cao. Trong đó, huyện U Minh bệnh đau mắt đỏ tập trung nhiều nhất ở xã Nguyễn Phích, ở TP Cà Mau bệnh đau mắt đỏ tập trung nhiều nhất ở phường 1. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Cái Nước bệnh đau mắt đỏ tập trung nhiều nhất ở thị trấn Cái Nước và xã Trần Thới.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho hệ thống y tế cơ sở về phát hiện sớm ca bệnh, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ. Tổ chức tốt việc khám, phát hiện bệnh nhân đau mắt đỏ; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phác đồ điều trị, hội chẩn, chuyển tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học và khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý kịp thời.
Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Theo các bác sĩ, người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) để rửa mắt. Khi sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh phải theo chỉ định của bác sĩ. Người bị đau mắt đỏ cần nghỉ ngơi ở nhà từ 7-10 ngày. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn dịu nhẹ. Tránh dùng chung cốc, bát, khăn mặt với người khác để phòng ngừa lây nhiễm.