Sự trở lại mạnh mẽ của phim truyền hình
Sau một thời gian “hụt hơi”, phim truyền hình đang có sự trở lại mạnh mẽ trên các kênh sóng với nhiều bộ phim không chỉ đạt được lượng xem kỷ lục mà còn tạo ra những hiệu ứng với khán giả.
Sức hút phim đề tài gia đình
Trong thời gian qua, nếu như phim điện ảnh Việt Nam đang hoàn toàn lép vế tại các cụm rạp, thì các phim truyền hình lại tạo nên những “hiện tượng” trên các kênh sóng. Được phát sóng trong các khung giờ vàng, các bộ phim truyền hình Việt Nam trong thời gian qua đã đưa khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, ở nhiều thể loại phim. Với đề tài về gia đình có thể kể đến như “Món quà của cha”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Làng trong phố”, “Nhà mình lạ lắm”… và mới đây là bộ phim “Tình trạng: Đã ly hôn”, “Không ngại cưới, chỉ cần một lý do”. Vẫn xoay quanh những câu chuyện về gia đình với những hỉ, nộ, ái, ố… thế nhưng các bộ phim đã có những thay đổi, “làm mới” để mang đến cho khán giả những điều chân thực, gần gũi về cuộc sống. Thậm chí, với nhiều khán giả khi xem phim còn thấy được chính mình ở trong đó. Và đến thời điểm này, mảng đề tài tưởng như “xưa cũ” này vẫn đang có sức hút với khán giả.
Hiện “Gia đình mình vui bất thình lình” dẫn đầu trên bảng xếp hạng 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất cả nước với mức rating đạt 4.6. Phim xoay quanh câu chuyện về gia đình có 4 cặp vợ chồng cùng chung sống với tâm tính và cả những rắc rối gặp phải khác nhau. Tuy nhiên, xuyên suốt 56 tập phát sóng, phim đã đem tới một góc nhìn của những người trẻ về cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Đó là hành trình gắn kết những người phụ nữ xa lạ cùng chung sống trong một mái nhà, để cuối cùng, họ bên nhau, yêu thương nhau bằng tình thân chứ không phải gắn kết bởi trách nhiệm và quy định của xã hội. Ngoài ra, “Gia đình mình vui bất thình lình” khai thác những vấn đề quen thuộc có thể bắt gặp ở bất cứ gia đình nào. Thế nhưng cách ứng xử mà mỗi nhân vật dành cho nhau lại là thứ không dễ gì thấy được. Hàng loạt tình huống được đưa ra từ chính tính cách đặc biệt của các nhân vật, cùng với cách giải quyết không thể đoán trước đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sự dí dỏm, hài hước và cách giải quyết vấn đề khác biệt đã “mềm hóa” những mâu thuẫn.
Theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, sở dĩ đề tài gia đình vẫn luôn có sức hút là vì phim truyền hình có thể kể câu chuyện mà người xem thấy mình trong đó. Họ như thấy cha mẹ mình, anh chị em mình trên màn ảnh, với những nỗi niềm sâu kín mà trong đời sống thật, chúng ta vì vô tình, vì non dại mà không đủ chú tâm để nhận ra. Bộ phim giúp ta nhận thức được đau khổ cũng như hạnh phúc tột cùng trong gia đình, tự soi chiếu mình và sẽ biết cách hành xử như thế nào cho phù hợp hơn với người thân. “Giá trị của một bộ phim gia đình, thường không chỉ là giải trí, mà còn là khả năng ôm ấp chính ta và gia đình ta. Nên chủ đề gia đình sẽ luôn là một thứ “vitamin tinh thần” mà chúng ta còn cần mãi” - ông Hiệp bày tỏ.
Những góc nhìn cuộc sống
Không chỉ đề tài gia đình đang làm mưa, làm gió trên các kênh sóng truyền hình, mà các bộ phim hình sự, điều tra đang cũng tạo nên nhiều hiệu ứng trong thời gian qua. Vốn được xem là mảng đề tài khó, hay vướng phải “sạn” trong những tình tiết, tuy nhiên với sự chuẩn bị công phu về kịch bản, dám nhìn thẳng vào thực tế xã hội, một số phim đã tạo nên hiệu ứng tốt với khán giả.
“Biệt dược đen” đang phát sóng trên VTV phản ánh thực tế một phần cuộc sống giới trẻ hiện đại, nhất là các cậu ấm cô chiêu. Mặc dù bị đánh giá là có nhiều cảnh bạo lực, hay ăn chơi, tiệc tùng trong bar, bên bể bơi, trên du thuyền… tuy nhiên phim đã phần nào đưa ra những cảnh báo cho khán giả trước những cạm bẫy của cuộc sống. Đạo diễn bộ phim Trần Trọng Khôi bày tỏ, so với nhiều phim cùng đề tài của các nước, “Biệt dược đen” có một số cảnh “nóng”, nhạy cảm, nhưng ở mức độ phù hợp mọi lứa tuổi. Bởi xã hội bên ngoài còn khủng khiếp hơn nhiều những gì được thể hiện trên phim. Những cái chúng ta ngại không nói tới khủng khiếp gấp 10 lần những gì chúng ta nhìn thấy trong phim. Đạo diễn cũng mong muốn các bậc phụ huynh cùng xem phim với các con mỗi tối để có sự so sánh giữa vấn đề gia đình và xã hội. Nhiều loại biệt dược chưa được gọi là ma túy nhưng rất gây hại cho giới trẻ. “Tôi hy vọng các bậc cha mẹ cùng ngồi xem với con mình bộ phim này để thấy được nếu đi sai hướng hậu quả sẽ thế nào” - đạo diễn Trần Trọng Khôi chia sẻ.
Cùng phát sóng trên khung giờ vàng với “Biệt dược đen” là bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến”. Đây là bộ phim ca ngợi người lính quân hàm xanh trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy, đồng thời, thể hiện sự gắn bó máu thịt, keo sơn của người lính Biên phòng với đồng bào dân tộc thiểu số trên các tuyến biên giới…
Với độ phủ sóng dày đặc, phim truyền hình Việt đã có những bước tiến dài. Nỗ lực của những người làm phim không chỉ được ghi nhận bằng sự yêu mến của khán giả mà bằng cả những câu chuyện cụ thể. Nếu như trước kia, nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình Việt là cách xử lý tình huống quá dễ dàng đến vô lý, không chú trọng tới logic phát triển của cảm xúc, tâm lý thì giờ đây, điều này đã được khắc phục. Ngoài ra, sự hấp dẫn mới lạ trong từng cảnh quay, tình tiết khiến khán giả hồi hộp, tò mò cũng là một yếu tố mang đến thành công cho nhiều bộ phim truyền hình.