Hà Nội trong đỉnh dịch sốt xuất huyết
Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận gần 82 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trong đó có 23 ca tử vong. Hà Nội là địa phương đang có số ca mắc mới gia tăng ở mức cao với hơn 2.100 ca mắc/tuần, nhiều trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch.
Tăng bệnh nhân nặng
BS Dương Quốc Bảo - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa) thông tin: Tính từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận 439 bệnh nhân phải điều trị nội trú do mắc SXH. Tuy nhiên, thời gian gần đây dịch đang bùng phát mạnh, chỉ tính riêng trong tháng 9, bệnh viện đã tiếp nhận 115 trường hợp nhập viện vì SXH, chiếm 25% số bệnh nhân cả năm. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, cần can thiệp ở mức cao.
Tương tự, số bệnh nhân mắc SXH Dengue điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tăng nhanh trong thời gian gần đây, lên tới hàng trăm ca khám mỗi ngày. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung bình, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 15-20 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo nhập viện. Khoảng 1/3 ca nằm viện có biểu hiện nặng.
Ông Cường cho biết thêm: “Đặc điểm virus gây dịch SXH năm nay giống các năm trước. Tại bệnh viện, ghi nhận hầu hết các trường hợp SXH ở những đối tượng thanh niên trẻ tuổi, nhưng cũng có nhiều người cao tuổi đang nằm viện. Mặc dù vậy, đa số người khỏe mạnh bình thường năm nay mắc SXH với diễn biến rất nhanh. Các trường hợp tử vong đa số ở người trẻ do bệnh nhân đi khám tại một số cơ sở y tế và có thể được cho về nhà theo dõi nhưng không theo dõi sát sao, khi đến viện đã muộn, một số triệu chứng diễn biến nhanh”.
Trong khi đó, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện 19-8), những ngày này luôn kín giường điều trị bệnh nhân SXH, phải chuyển bớt bệnh nhân sang khoa khác. Nhiều ca được đưa vào đây trong tình trạng rất nặng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại 2 cơ sở của bệnh viện này đang điều trị 157 ca SXH, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Chỉ riêng khoa Cấp cứu cơ sở Kim Chung mỗi ngày đang điều trị hơn 40 bệnh nhân hồi sức cấp cứu nói chung, trong đó có 3-5 ca SXH Dengue nặng, và khám cấp cứu trên dưới 50 ca SXH/ngày.
Điển hình, bệnh nhân N. T. T., (32 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện vì SXH Dengue ngày thứ 4. Trước đó, bệnh nhân có truyền dịch trong 3 ngày đầu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp. Xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH Dengue thể nặng.
Không chủ quan
BS Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) khuyến cáo, hiện nay, SXH chưa có vaccine phòng bệnh. Vì thế, người dân cần phải chú ý theo dõi sức khỏe khi có sốt, làm xét nghiệm hàng ngày xem chỉ số công thức máu. Những trường hợp nhẹ điều trị tại nhà sau 5-7 ngày hết sốt, sẽ hồi phục sau 1-2 tuần. Những trường hợp có biểu hiện nặng, khoảng 5-10% ca bệnh có biểu hiện sốc phải điều trị kịp thời để hạn chế tử vong.
Khi có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: Khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì…
Được biết, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường. Bà Cấn Thị Việt Hà - Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho hay: UBND quận đã tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng “Ngày thứ 7 xanh” nhằm bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch SXH. Quận cũng huy động mọi nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân triển khai tích cực công tác thu gom, phân loại rác thải, dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi ở của gia đình mình, chung tay với ngành Y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, diệt bọ gậy phòng, chống dịch SXH.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, các phường và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn đang đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh SXH. Các hình thức tuyên truyền cần linh hoạt, phong phú, tránh hình thức.
Các phường tổ chức ra quân đồng loạt từ nay đến ngày 30/9; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các phường duy trì chiến dịch vệ sinh môi trường, tìm diệt bọ gậy thường xuyên đến cuối năm; duy trì hoạt động vệ sinh môi trường hàng tuần vào chiều thứ sáu, sáng thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần; thực hiện quyết liệt diệt muỗi, diệt bọ gậy đặc biệt tại các khu vực bãi đất trống, đất xen kẹt, công trường dự án xây dựng.
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc SXH với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc. Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc SXH, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, các cơ sở y tế và người bệnh phải chú ý để đến bệnh viện hoặc điều trị đúng, kịp thời.