Chuẩn hóa ngân hàng đề thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chia sẻ những điểm đã được thống nhất về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi năm 2023. Trong số nhiều nội dung mới, câu chuyện về ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018 hiện là mối bận tâm không hề nhỏ.
Sở dĩ nói như vậy là bởi tới đây kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ có 11 môn thi (cả môn bắt buộc và tự chọn). Bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó riêng môn Ngoại ngữ gồm 7 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Đức, Hàn.
Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. Đề nghị các Sở GDĐT giới thiệu các giáo viên có năng lực để Bộ tổ chức bồi dưỡng công tác làm đề. Cụ thể, nếu mỗi địa phương khoảng 10 - 15 người, tính trên cả nước sẽ có khoảng 1.000 người để xây dựng ngân hàng đề thi. Ngoài ra, việc bồi dưỡng cán bộ khảo thí cốt cán sẽ được thực hiện bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) và các chuyên gia hàng đầu trong nước. Đội ngũ giáo viên làm công tác khảo thí sẽ xây dựng thư viện câu hỏi. Từ thư viện đó sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cũng chia sẻ, do đề thi có tính mở lớn nên việc xây dựng ngân hàng câu hỏi càng phải cẩn trọng.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên diễn ra với lứa học sinh theo chương trình GDPT 2018, yêu cầu cẩn trọng về việc xây dựng ngân hàng đề thi là lẽ đương nhiên. Nhưng theo các chuyên gia giáo dục, từ nay đến kỳ thi năm 2025 thời gian không còn nhiều, Bộ GDĐT phải vào cuộc ngay mới kịp.
Ghi nhận những ý kiến góp ý cho việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025, quan điểm của chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh đều có những điểm chung cần lưu ý. Đó là, chưa kể đề thi, phương án thi phải phù hợp với chương trình GDPT mới, trong đó hướng đến đánh giá năng lực học sinh. Với phương châm thi gì học nấy như lâu nay, chương trình hướng đến năng lực riêng của từng cá nhân nhưng vẫn tổ chức 1 cuộc thi chung toàn quốc, mỗi thí sinh thực hiện 6 bài thi các môn bắt buộc thì ngay từ bây giờ học sinh sẽ xác định chỉ tập trung vào các môn để thi. Do đó, nhà quản lý giáo dục nên tính toán phương án thi phù hợp hơn với mục tiêu của chương trình, chú ý đến sự phân hóa năng lực học sinh.
Tiếp đó, điều quan trọng là Bộ GDĐT phải xây dựng được ngân hàng đề thi đa dạng, đáng tin cậy. Muốn đạt được điều đó, đề thi phải có thời gian chuẩn bị và thử nghiệm trên hàng triệu học sinh. Trên thực tế, để thực hiện được có lẽ còn gian nan bởi sách giáo khoa của chương trình GDPT mới thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, năm này viết sách cho năm học tới. Hằng năm cứ đến dịp hè, các địa phương mới tập huấn sách cho giáo viên. Như vậy, liệu có đủ thời gian để đội ngũ bổ sung câu hỏi vào ngân hàng đề và thử nghiệm theo chương trình mới hay không? Nhất là khi đề thi có tính mở theo yêu cầu chương trình GDPT 2018. Còn nữa, vì một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT mà 99,9% học sinh đỗ thì việc tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém liệu có ý nghĩa thực sự hay không?
Công bằng mà nói, việc xây dựng ngân hàng đề thi ở các môn thi trắc nghiệm thực chất đã được triển khai kể từ khi kỳ thi THPT quốc gia áp dụng phương án thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, qua từng năm với mức độ đề khó, dễ khác nhau khiến dư luận chưa thực sự an tâm về nội dung và chất lượng đề thi.
Vì lẽ đó, băn khoăn của nhiều người về ngân hàng đề thi và tiến độ thực hiện là hoàn toàn có căn cứ và cần được Bộ GDĐT tính toán thỏa đáng. Nên chuẩn bị ngay từ bây giờ với việc huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, để tạo nên dữ liệu ngân hàng câu hỏi khổng lồ là việc phải gấp rút làm ngay, không thể chần chừ.