Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh
Sáng 20/9 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), tại Trụ sở Liên hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu đã khai mạc trọng thể, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu (BĐKH); nhấn mạnh ứng phó với BĐKH là trách nhiệm chung, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động, tăng cường hợp tác, đoàn kết để giải quyết vấn đề này; kêu gọi giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi xanh công bằng, cân bằng tài chính cho thích ứng với tài chính cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, BĐKH tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố, như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo, kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Thủ tướng đề xuất, xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh.
Đề xuất xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo hình thức công - tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Thủ tướng cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết, để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục những hậu quả do BĐKH gây ra, đồng thời cần tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của BĐKH.
Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính, đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Phát triển năng lượng bền vững
Chiều ngày 20/9 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Hội nghị cấp cao của LHQ về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch đã khai mạc trọng thể, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Việc triệu tập hội nghị cấp cao lần này là sáng kiến của Việt Nam, phối hợp cùng một số nước chủ chốt, đưa ra và được Đại hội đồng LHQ nhất trí hồi tháng 9/2022, với mục đích đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục các thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19 và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu ảnh hưởng của đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân.
Thủ tướng cho rằng, hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển.
Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển.
Thủ tướng cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế, đồng thời cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết toàn cầu, đoàn kết toàn dân và sự nỗ lực của mọi quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã hợp tác và hỗ trợ hiệu quả Việt Nam, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.
Hội nghị đã nhất trí thông qua bằng đồng thuận nội dung Tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng, chống đại dịch, trong đó quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao của LHQ về sẵn sàng ứng phó và phòng, chống đại dịch vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai Tuyên bố này.
Cũng trong chiều 20/9 (theo giờ New York), tại Trụ sở LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 78 Dennis Francis.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay và Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các ưu tiên lớn của Đại hội đồng khóa 78, trong đó có củng cố hòa bình thông qua tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác, giảm căng thẳng giữa các nước lớn, thúc đẩy đoàn kết, chủ nghĩa đa phương, cải tổ thể chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng hơn, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), vì lợi ích của người dân và không bỏ lại ai ở phía sau.
Thủ tướng cho rằng để giải quyết các thách thức hiện nay, cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và toàn diện. Trên cơ sở đó, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ và quyết tâm thực hiện SDGs và ứng phó với BĐKH, bao gồm nỗ lực thực hiện các cam kết về đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam vừa thông qua Quy hoạch điện VIII với những cam kết mạnh mẽ về phát triển năng lượng bền vững và sẽ sớm công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis đánh giá cao quan hệ LHQ - Việt Nam, cho biết, rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao vai trò tích cực, năng động và vị thế ngày càng cao của Việt Nam, trong đó có việc tham gia gìn giữ hoà bình LHQ.
Ông Dennis Francis cho rằng, Việt Nam có nhiều thành tựu về đưa người dân thoát nghèo và phát triển đất nước, có thể chia sẻ cho thế giới, cùng thúc đẩy hợp tác thực hiện SDGs, ứng phó BĐKH, an ninh lương thực. Chủ tịch Đại hội đồng nhất trí sẽ hợp tác cùng Việt Nam để thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời ông Dennis Francis thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ tại New York, Hoa Kỳ, chiều 20/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel; gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto; gặp Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar; gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis; tiếp ông Bill Gates, nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Microsoft, đồng thời là nhà sáng lập và Chủ tịch Quỹ Gates.