Giải pháp phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Phương Nguyên 22/09/2023 15:27

Nhằm từng bước thay đổi cuộc sống của đồng bào DTTS về hôn nhân, gia đình, thời gian qua Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đồng bào DTTS tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh.

Buổi phổ biến thông tin tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS vừa được Ban dân tộc tỉnh Bình Định tổ chức tại xã An Nghĩa, huyện An Lão.

Tại đây, đồng bào Bana và H’rê đã được thông tin những quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; những hệ lụy, nguyên nhân và những giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như Quyết định số 405-UBND tỉnh về thực hiện Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025.

Một tiểu phẩm tuyên truyền phản ánh hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Một tiểu phẩm tuyên truyền phản ánh hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Anh Đinh Văn Hương, xã An Nghĩa, huyện An Lão cho biết, bà con đồng bào DTTS của xã đã được cán bộ tuyên truyền không được kết hôn sớm mà phải chờ đủ tuổi mới được lấy vợ, lấy chồng. Đối với con gái, ít nhất cũng phải đủ từ 18 – 20 tuổi. Còn con trai, ít nhất cũng phải đủ 22 tuổi trở lên.

Được biết, xã An Nghĩa, huyện An Lão là địa bàn có đông đồng bào Bana và H’rê sinh sống. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, tình trạng tảo hôn ở xã có xu hướng giảm. Đặc biệt thông qua công tác tuyên truyền, bà con nhân dân đã có nhận thức sâu sắc về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông Đinh Văn Nhân, người uy tín Thôn 1, xã An Nghĩa cho biết, bước đầu tình trạng tảo hôn đã có xu hướng giảm do địa phương có cách tuyên truyền mềm mỏng trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các tài liệu tuyên truyền cũng được cập nhật đầy đủ, góp phần giải đáp những thắc mắc của bà con nhân dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu của mình để dần tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn.

Tỉnh Bình Định triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Tỉnh Bình Định triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và miền núi” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh công tác truyền thông trong nhân dân và đồng bào DTTS. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào 15 thôn thuộc các địa phương: An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thành.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian tới, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành, các huyện, xã có vùng đồng bào DTTS tập trung phát triển kinh tế cho thật tốt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, để đến năm 2025 tỉnh Bình Định cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

“Ban Dân tộc cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trường học và chính quyền địa phương để nhân rộng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục đưa nội dung giáo dục giới tính, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào tuyên truyền, giáo dục trong các trường dân tộc nội trú, bán trú; góp phần nâng cao ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, nhất là học sinh vùng DTTS”, ông Lung nhấn mạnh.

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đó, từng bước ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Phương Nguyên