Hà Nội thông qua nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm
Ngày 22/9, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm với 16 phường.
Theo đó, thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64km2, quy mô dân số hơn 300.000 người và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.
16 phường thuộc quận Gia Lâm gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng và Kim Đức.
Trong đó, 6 phường được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng từ xã gồm: Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang và Lệ Chi.
4 phường được thành lập trên cơ sở 4 xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính gồm: phường Trâu Quỳ (trên cơ sở thị trấn Trâu Quỳ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá); phường Đa Tốn (trên cơ sở xã Đa Tốn có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Đa Tốn); phường Kiêu Kỵ (trên cơ sở xã Kiêu Kỵ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá) và phường Dương Xá (trên cơ sở xã Dương Xá có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn).
6 phường được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính của 12 xã, thị trấn gồm: phường Yên Viên (trên cơ sở nhập thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên); phường Phù Đổng (trên cơ sở nhập xã Trung Mầu và xã Phù Đổng); phường Thiên Đức (trên cơ sở nhập xã Đình Xuyên và xã Dương Hà); phường Phú Sơn (trên cơ sở nhập xã Kim Sơn và xã Phú Thị); phường Bát Tràng (trên cơ sở nhập xã Bát Tràng và xã Đông Dư) và phường Kim Đức (trên cơ sở nhập xã Văn Đức và xã Kim Lan).
Cùng ngày, với 100% đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2023. Theo đó, HĐND TP quyết nghị bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 4.200.000 triệu đồng từ nguồn thưởng vượt thu năm 2022; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao cho các nhiệm vụ, dự án. Cụ thể, bổ sung 100.000 triệu đồng nguồn vốn quyết toán dự án hoàn thành; hoàn trả ngân sách quận Long Biên đã ứng thực hiện các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố 162.000 triệu đồng; điều chỉnh giảm nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch 121.900 triệu đồng; điều hòa nguốn vốn chuẩn bị đầu tư giảm 534 triệu đồng của 1 dự án để thông báo cho các dự án khác; giảm và điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án cấp thành phố 455.279 triệu đồng; tăng và điều chỉnh kế hoạch ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã 315.179 triệu đồng của 74 dự án.
Sau khi Trung ương có quyết định giao bổ sung nguồn thưởng vượt thu năm 2022, HĐND TP giao UBND TP rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định pháp luật, trong đó cơ cấu Kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã bố trí cho các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung trong nước sang nguồn thưởng vượt thu năm 2022;
Rà soát, phân bổ kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án từ kế hoạch vốn (4.200 tỷ đồng) nguồn xây dựng cơ bản tập trung trong nước sau khi được cơ cấu lại. Phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho từng nhiệm vụ, dự án trên cơ sở hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của các nhiệm vụ, dự án và tuân thủ Luật Đầu tư công.
Đối với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025 bổ sung, UBND TP tiếp tục rà soát đánh giá nguồn lực dành cho đầu tư công trung hạn. UBND TP báo cáo HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2023 về kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023, cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Kết quả giải ngân đến ngày 11/9 toàn thành phố là 22.518 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch Thành phố giao đầu năm và Trung ương giao; đạt 42,4% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh tháng 7/2023. Kế quả này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (27,1%) và so với tình hình giải ngân chung của cả nước (39,6%). Luỹ kế giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.415,793 tỷ đồng, đạt 33,3% kế hoạch kéo dài. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài vẫn là thấp so với yêu cầu đặt ra.