Đối thoại, gỡ vướng mắc trong công tác phụ nữ
Một cuộc đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu với cán bộ, hội viên nữ đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở. Những người phụ nữ đã rất thẳng thắn, cởi mở bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của họ với người đừng đầu chính quyền tỉnh.
Ngày 22/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã chủ trì Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp, với chủ đề “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong không khí dân chủ, cởi mở, chân thành, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, các câu hỏi đối thoại đặt ra khá đa dạng, phong phú, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Từ các vấn đề tồn tại, vướng mắc, những bất cập về cơ chế, chính sách đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ là chủ; việc cán bộ chuyên trách ở cơ sở nghỉ việc; vấn nạn bạo lực học đường, việc đổi mới sách giáo khoa, chương trình học...Tất cả các vấn đề này đều được Chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe và giải đáp rõ ràng.
Nhiều cán bộ Hội các địa phương cho rằng công tác đào tạo nghề hiện nay không đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ; nông sản hiện nay không có đầu ra, giá cả bấp bênh, kể cả các sản phẩm OCOP...
Chị Phạm Thị Mơ, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phước Long cho rằng: Để xây dựng sản phẩm OCOP Bạc Liêu thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và từng bước hướng tới xuất khẩu có nhiều việc cần làm. Từ đó kiến nghị cần hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP (nhất là phụ nữ) quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh, tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Bà Vũ Ngọc Hiền, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hồng Dân chia sẻ: Hiện nay đa số phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố. Vì vậy, số lao động ở địa phương chủ yếu là lớn tuổi, nên việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa kinh phí hàng năm đào tạo nghề ít, vì thế, số lớp mở không đáp ứng yêu cầu số lao động ở địa phương. Bà Hiều kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quan tâm để tạo điều kiện cho các cấp Hội đi học tập, tham quan các mô hình cũng như các Hợp tác xã thực hiện tốt các Đề án hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Lắng nghe các ý kiến tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đánh giá cao những vấn đề mà cán bộ, hội viên, phụ nữ đã rất tâm huyết, thẳng thắn đặt ra. Các sở, ngành chức năng, các địa phương cũng đã có câu trả lời, giải pháp sát thực, đúng trọng tâm. Ngoài những vấn đề đã được lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố giải đáp, làm rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị sau buổi đối thoại, lãnh đạo các sở, ngành thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất trong buổi đối thoại hôm nay để giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cán bộ, hội viên phụ nữ.
"Riêng đối với cán bộ Hội các cấp cần tiếp tục gần gũi, lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ trong tỉnh, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng, địa phương, kịp thời giải quyết khó khăn trong công tác Hội, phong trào phụ nữ, đặc biệt là hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội' - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều gợi mở.