Hiệu quả từ mô hình 'Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo'
Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, về giảm nghèo bền vững và về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, cuộc sống của đồng bào không ngừng được cải thiện. Một số chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các địa phương. Nổi bật có thể kể đến là dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh.
Với dự án này, từ năm 2018, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 60 con bò cho 60 hộ ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Long Phú và huyện Trần Đề với tổng số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Sau khi các hộ nuôi bò sinh sản thành công sẽ luân chuyển con giống cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn khác hoặc đóng góp kinh phí lại cho ngành chức năng để dự án phát huy hiệu quả.
Căn cứ vào hoàn cảnh từng gia đình được hỗ trợ bò giống mà có mức thu hồi kinh phí khác nhau. Với hộ nghèo, ngành chức năng sẽ thu hồi lại 50% giá trị của bò giống, hộ cận nghèo sẽ thu hồi lại 60% và hộ khó khăn là 75%.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Long Phú (huyện Long Phú) cho biết, từ khi được triển khai đến nay, dự án đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, góp phần cải thiện thu nhập một cách bền vững cho người nghèo tại địa phương. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Long Phú đã có điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống.
“Gia đình tôi không có đất sản xuất nên trước đây chỉ biết làm thuê theo thời vụ. Nhờ được hỗ trợ bò giống mà gia đình tôi có thêm điều kiện để ổn định kinh tế hơn. Sau khi con bò giống sinh sản 1 con bê, tôi đã hoàn vốn lại cho nhà nước 11 triệu đồng để cùng chung sức với địa phương, Mặt trận các cấp phát huy hiệu quả của dự án” - ông Huỳnh Văn Huynh, một trong những hộ dân được hỗ trợ bò giống cho biết.
Tuy không có đất sản xuất nhưng nhờ chăm chỉ trong chăn nuôi mà hiện tại, từ con bò giống được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ, gia đình bà Danh Thị Sà Phal (ấp Phú Đức, xã Long Phú) đã phát triển đàn bò lên 4 con. Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho bò, ngoài việc tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, bà Phal còn thuê thêm đất để trồng cỏ. Điều làm bà Phal phấn khởi là, khi được Ủy ban MTTQ tỉnh và huyện đồng ý, bà sẽ chuyển giao bê con lại cho gia đình của người con gái ruột có hoàn cảnh khó khăn để cùng chăn nuôi, thoát nghèo như bà từng áp dụng.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Sóc Trăng Lưu Văn Xem cho biết, nhờ sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, cuộc sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ đồng bào Khmer nghèo giảm khá nhanh. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, trong đó có công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer nói riêng, các cấp uỷ Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt cần quan tâm nhất đến công tác giáo dục - đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống để giúp bà con nhanh chóng phát triển kinh tế, thoát nghèo.