Bịt 'lỗ hổng' cháy nổ

Ngọc quang - văn thanh 23/09/2023 07:00

Vụ cháy chung cư mini ở tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận khi có tới 56 người tử vong và 37 người bị thương. Vụ cháy đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong công tác phòng, chống cháy nổ không chỉ ở chung cư mini, mà còn ở khu dân cư nói chung, với nhiều ẩn họa.

Vẫn còn những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy tại nhiều khu dân cư. Ảnh: Quang Vinh.

Còn nhiều bất cập

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Hoàn thành việc tổng rà soát trước ngày 15/11/2023.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép. Chỉ đạo tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, có giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về PCCC, nhất là tại cấp huyện, cấp xã, kiểm điểm xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm...

Trở lại với Hà Nội, công tác PCCC tại nhiều khu dân cư còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhất là tình trạng họng nước cứu hỏa bị thiếu, hư hỏng, không có nước, ở nơi tầm nhìn hạn chế... nên "có cũng như không". Tại khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai), khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), khu đô thị Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai), khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông),... nhiều họng nước cứu hỏa mất nắp, thiếu tay vặn van, hệ thống PCCC hiếm khi được bảo dưỡng kiểm tra. Các tòa chung cư CT4B-X2, CT4A-X2, CT3B-X2,... khu đô thị Bắc Linh Đàm có 2 họng nước chữa cháy nhưng đều thiếu tay vặn van và nắp bảo vệ. Họng nước chữa cháy tại các tòa HH02D, HH02C, HH03B khu đô thị Thanh Hà trong tình cảnh tương tự.

Một cư dân sống tại chung cư CT4B-X2, khu đô thị Bắc Linh Đàm cho biết, đã ở đây gần 10 năm nhưng chưa thấy ai sửa chữa họng cứu hỏa, để hoen gỉ.

Đáng chú ý, thông tin tại cuộc giao ban trực tuyến do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội chủ trì với lãnh đạo các quận, huyện, ông Võ Đăng Dũng - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, sau vụ cháy, quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra với 14 tổ công tác rà soát khoảng 1.900 trường hợp là chung cư mini, nhà trọ cao tầng cho thuê trên địa bàn. Đợt kiểm tra này sẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Chung cư mini không bảo đảm phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Ảnh: Văn Thanh.

Ý thức phòng, chống cháy nổ kém

Không chỉ vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình (Hà Nội) mà rất nhiều vụ cháy với thiệt hại lớn xảy ra trong suốt thời gian qua đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác phòng chống cháy nổ tại các công trình nhà ở cao tầng, nhà ở trong khu dân cư; gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn PCCC.

Khảo sát cho thấy, công tác PCCC tại rất nhiều dự án nhà cao tầng ở các thành phố lớn hiện nay còn chưa bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khá phổ biến. Trên thực tế, không ít chung cư xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu PCCC, hoặc chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng nhưng đã cho cư dân vào sinh sống, vừa không bảo đảm an toàn lại vi phạm quy định của pháp luật.

Thống kê kể từ khi Luật PCCC có hiệu lực từ 4/10/2001 đến hết năm 2022, cả nước có 38.140 trên tổng số 1.182.722 công trình, cơ sở chưa đáp ứng quy định về PCCC, chiếm khoảng 3,22%; trong đó có tới 66,74% cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC. Trong số 38.140 cơ sở chưa đáp ứng quy định PCCC, có 1.650 chung cư, ký túc xá - chiếm khoảng 4,3%.

Không chỉ hạ tầng, trang thiết bị PCCC tại chỗ của các công trình nhà ở cao tầng còn thiếu, một bộ phận cư dân sinh sống ở các khu chung cư trong tỉnh còn xem nhẹ công tác phòng chống cháy nổ; thao tác, kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống cháy nổ cũng kém. Chẳng hạn như thói quen dựng xe chắn lối thoát hiểm, hút thuốc trong chung cư, tầng hầm, bỏ tàn thuốc chưa tắt hẳn trong thùng rác; đốt vàng mã, không tắt các thiết bị điện...

Chính vì thế mà nguy cơ xảy ra cháy nổ ở các chung cư nói chung và công trình nhà ở cao tầng nói riêng luôn rình rập.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, cần có thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng chung cư mini; tránh phê duyệt các chung cư mini có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận. Tương tự các dự án nhà ở khác, chung cư mini cũng cần có những quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh. Năng lực, trách nhiệm của người chủ chung cư mini cũng phải được quy định rõ. "Không phải, cứ có đất, có tiền là có thể xây chung cư mini để bán hay cho thuê" - ông Đính nói.

Mặt khác, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra và giám sát về PCCC để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về PCCC ngay từ đầu theo quy định; không cho phép "phạt cho tồn tại", các công trình xây dựng sai phạm như xây vượt tầng, sai thiết kế kỹ thuật, thiếu trang bị các biện pháp phòng cháy chữa cháy.... thì phải đập bỏ phần xây sai, xây không phép thì thậm chí phải phá hủy công trình.

Theo Bộ Xây dựng, ở một số địa phương xảy ra tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, không ít hộ gia đình tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Các sai phạm chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng, cho thuê. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về PCCC dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

Đang tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini

Bên lề kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội, bà Bùi Huyền Mai - Bí thư Quận ủy Thanh Xuân cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các cơ quan của quận Thanh Xuân đang tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Sau khi tổng kiểm tra, rà soát tất cả chung cư mini trên địa bàn, quận sẽ đưa ra giải pháp xử lý đối với từng trường hợp. Chẳng hạn, nếu có bãi để xe gần đó thì vận động người dân di dời xe máy, xe đạp điện và những vật dụng dễ cháy ra khỏi khu vực tầng hầm để bảo đảm các yêu cầu cao hơn về phòng cháy, chữa cháy.

H.vũ

7 nội dung hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội

Ngày 22/9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 13) để xem xét, quyết nghị các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn thành phố được HĐND TP thông qua có đánh giá kỹ về kết quả, đặc biệt là những hạn chế trong công tác PCCC trên địa bàn thành phố, đồng thời đề ra 9 nhóm biện pháp chủ yếu, trong đó có những biện pháp ngay trước mắt cũng như thời gian tiếp theo để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Theo Nghị quyết này, HĐND TP quyết định 7 nội dung, gồm: Hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế; hỗ trợ kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế; hỗ trợ tiền tạm cư; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ em mồ côi có cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ tử vong tại thời điểm xảy ra vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị; hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong; hỗ trợ tang lễ, hỏa táng người tử vong tại vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị.

H.Vũ

Ngọc quang - văn thanh