Khơi thông dòng vốn phục hồi doanh nghiệp

H.Hương 23/09/2023 08:00

Thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN, nên nhiều DN bày tỏ mong muốn, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất để giúp DN phục hồi.

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tạo điều kiện thông thoáng trong việc tiếp cận vốn.

Mất 3 tháng để duyệt 1 khoản vay

Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) chia sẻ, việc tiếp cận vay vốn với các DN nhỏ và vừa (SME) rất khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. "Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung, dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay mất 6 tháng duyệt" - ông Sơn nói đồng thời đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoa - Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép, cho biết việc tái cấp hạn mức tín dụng thời gian qua luôn bị kéo dài thời gian và thêm rắc rối về tài sản đảm bảo. Theo đề xuất của ông Hoa, phía ngân hàng nên có sự linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để DN có thể tiếp cận vốn trong từng dự án.

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho rằng nói các ngân hàng cần tạo điều kiện cho các DNNVV có thể tiếp cận vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, không phân biệt đối xử, giảm bớt tiêu chuẩn, tiêu chí để DNNVV tiếp cận vốn.

“Ngân hàng nên đồng hành cùng DN, nếu DN có phương án kinh doanh khả thi, có các điều kiện sản xuất kinh doanh tốt thì nên cho vay tín chấp, ngân hàng không nên đòi hỏi về tài sản bảo đảm vì DN đang rất khó khăn” - bà Ngân đề xuất.

Tìm cách khơi thông dòng vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 ở mức 14-15% mà NHNN đặt ra từ đầu năm thì hiện dư địa tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống còn khoảng 9%, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Giữa bối cảnh tín dụng tăng chậm, vốn dư thừa tại các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng cần phải tính toán xem ngành hàng nào cần tập trung đầu tư, có khả năng thu hồi vốn cao, hỗ trợ khôi phục thị trường để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả, thậm chí là có thể "may đo" chương trình tín dụng với những ưu đãi riêng.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, chính sách tiền tệ cần linh hoạt, thích ứng để giảm mặt bằng lãi suất và tăng dự trữ ngoại hối, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ DN, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển. Đồng thời hỗ trợ DN thông qua giảm nghĩa vụ trả nợ, kích cầu tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó TGĐ Vietcombank cho biết, hiện ngân hàng cũng đang đau đầu vì tìm mọi cách đẩy vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, bản thân DN cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín đối với ngân hàng, để 2 bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển” - ông Tùng nói. Ông Tùng cũng cam kết từ nay tới cuối năm, ngân hàng này sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với DN. Năm nay, Vietcombank sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng – DN trên địa bàn Hà Nội, chiều 21/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh với chu kỳ vay như hiện nay, DN có thể gặp khó khăn do thị trường bị biến động, điều này có thể khiến DN bị cắt đi vốn lưu động. Chính vì vậy, ông Thanh đề nghị, cách tổ chức quy trình cho vay trong từng bối cảnh cần có cách ứng xử phù hợp. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các ngân hàng thương mại cân nhắc về hệ số điều chỉnh rủi ro đối với các tài sản sẵn có để có thể điều chỉnh nếu cần thiết, từ đó tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân về tín dụng. Tuy nhiên, bà Hồng nhấn mạnh vẫn phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

H.Hương