Giám sát 'từ gốc' tham nhũng, tiêu cực
Thực hiện tốt công tác cán bộ và giám sát vai trò của người đứng đầu từng địa phương, cơ quan, đơn vị, được coi là hai “chìa khóa” quan trọng để TPHCM ngăn chặn các tham nhũng, tiêu cực ngay từ gốc rễ.
Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Bàn về nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm để góp phần ngăn chặn sớm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố sẽ tập trung vào tham mưu các cơ chế, giải pháp vận dụng, triển khai Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc này nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng giúp thành phố bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Đây cũng là nội dung tiếp tục được người đứng đầu Đảng bộ TPHCM chỉ đạo cụ thể tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố (Ban Chỉ đạo) vào cuối tháng 7/2023.
Trong đó, nhấn mạnh trọng tâm nhiệm vụ tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ đạo với các cơ quan chức năng nhằm tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Kể từ khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6/2023, song hành cùng các định hướng, chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo TP đã giúp phát huy hiệu quả hết sức cụ thể trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Riêng UBND TPHCM, qua hoạt động giám sát, kiểm tra đã phát hiện 9 vụ tham nhũng với 27 người vi phạm qua báo cáo của Sở ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước do thành phố quản lý.
Tại Công an TPHCM, qua thanh tra đột xuất đã phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác tài chính, quản lý sử dụng đất tại Công ty 990. Vụ việc này hiện đã được Công an TP kiến nghị và được Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP thống nhất chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh điều tra Công an TP để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ trong nửa đầu năm nay, trên địa bàn thành phố đã có gần 700 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác giữa các phòng ban chuyên môn, giữa các phường, quận và các quận/huyện, sở ngành.
Đối với công tác Đảng, ngày 21/9, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho biết, qua kiểm tra các dấu hiệu vi phạm và xem xét cũng đã đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng, đảng viên thuộc Thành ủy TP quản lý. Điều đáng nói, hầu hết những cá nhân bị đề nghị kỷ luật đều là các cán bộ, người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, như ông Nguyễn Hữu Anh Tứ (Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức); Dương Hoa Xô (nguyên Phó Giám đốc Sở NNPTNT); Nguyễn Thị Bích Hạnh (Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM); Nguyễn Đăng Quân (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM)... Qua liên tiếp các xử lý sai phạm kể trên, có thể thấy công tác cán bộ và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương là hết sức quan trọng. Đối với hầu hết các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đều có liên quan đến hoạt động giám sát công tác cán bộ ở cơ sở vẫn còn hạn chế, bất cập.
Xử lý kiên quyết, dứt điểm
Khi xác định được đối tượng trọng tâm của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM cần phải khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến quá trình xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã được cơ quan chức năng kết luận thanh tra.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, trên thực tế, hai cơ quan có vai trò giám sát quan trọng hiện nay là Ủy ban MTTQ và HĐND TP cần phải thể hiện vai trò cụ thể, trọng tâm hơn nữa. Trong đó, sau các buổi giám sát cần có kiến nghị những vấn đề mấu chốt với các cơ quan kiểm tra, như Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra TP để có sự phối hợp, kiểm tra, thanh tra sau giám sát. Nếu làm tốt được công tác này, ông Ninh cho rằng sẽ hạn chế được “từ gốc” các hành vi tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng vặt ở các cơ quan, đơn vị như báo chí nêu thời gian qua. Cùng ý kiến cho rằng cần phải xử lý kiên quyết cán bộ để xảy ra sai phạm, tại buổi giám sát tình hình thực thi công vụ của đơn vị, cán bộ, công chức tại UBND TP Thủ Đức, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, thành phố kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí dễ phát sinh tiêu cực hoặc có dư luận phản ánh tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị, vẫn có một vài trường hợp chưa thực hiện nghiêm việc đeo thẻ công chức, chưa đảm bảo giờ giấc làm việc; một số công chức đi công tác ngoài trụ sở chưa cập nhật lịch công tác kịp thời; ăn uống trong giờ làm việc, giải quyết hồ sơ còn trễ hạn… Sau kiểm tra, UBND TP Thủ Đức đã kiên quyết ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Song song với thực hiện kỷ cương, kiên quyết xử lý đối với các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cũng chỉ ra việc phải chuẩn hóa từ “đầu vào” trong công tác cán bộ. Điều này sẽ góp phần thanh lọc những cán bộ, công chức có phẩm chất kém hoặc không phù hợp cho một vị trí công tác cụ thể. “Khi tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước thì người cán bộ phải có khát vọng cống hiến, có đủ phẩm chất, năng lực cần thiết cho vị trí công tác và cũng phải trải qua thử thách ở cơ sở, trước khi có thể nắm trọng trách là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị” - bà Sâm hiến kế.