Các loài xâm lấn đe dọa nền kinh tế thế giới
Một báo cáo mới do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn cho thấy, các loài xâm lấn gây thiệt hại cho thế giới ít nhất 423 tỷ USD mỗi năm khi chúng gây ra sự tuyệt chủng của thực vật và động vật, đe dọa an ninh lương thực và làm trầm trọng thêm thảm họa môi trường trên toàn cầu.
Các nhà khoa học hàng đầu cho biết, hoạt động của con người - thường thông qua du lịch hoặc thương mại toàn cầu - đang khiến các loài động vật, thực vật và sinh vật khác lan rộng ở các khu vực mới với “tốc độ chưa từng có”, với 200 loài ngoại lai mới được ghi nhận mỗi năm.
Trong số 37.000 loài ngoại lai được biết đến đã du nhập khắp thế giới, 3.500 loài được coi là có hại và gây ra “mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng” bằng cách phá hủy mùa màng, xóa sổ các loài bản địa, gây ô nhiễm đường thủy, lây lan dịch bệnh và đặt nền móng cho những thảm họa thiên nhiên tàn khốc.
Các nhà khoa học cho biết, chi phí kinh tế toàn cầu là rất lớn, ít nhất đã tăng gấp bốn lần mỗi 10 năm kể từ năm 1970. Tuy nhiên, nhà sinh thái học Helen Roy - đồng tác giả của báo cáo Nền tảng liên chính phủ của LHQ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) - cho biết, con số đó là “một sự đánh giá thấp bởi đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.
Theo bà Roy, nếu không có sự can thiệp để ngăn chặn sự lây lan và tác động của chúng, tổng số loài xâm lấn trên toàn cầu vào năm 2050 sẽ cao hơn 30% so với năm 2005.
Theo báo cáo, sự lây lan của các loài xâm lấn khắp các quốc gia và lục địa là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học - làm suy giảm mạng lưới hệ sinh thái phức tạp “mà nhân loại phụ thuộc vào”. Báo cáo cho biết, mối liên hệ giữa các loài xâm lấn với 60% số vụ tuyệt chủng toàn cầu được ghi nhận.
Một khi loài xâm lấn chiếm ưu thế, tác động có thể rất thảm khốc. Các loại cỏ và cây bụi không bản địa khô héo ở Hawaii đã góp phần gây ra vụ cháy rừng tàn khốc ở Maui (Hawai, Mỹ) vào tháng trước - một trong những vụ cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.