Hiểm nguy những tuyến đường di cư

THẾ TUẤN 24/09/2023 07:56

Ngày 22/9, Văn phòng Tư pháp Mexico xác nhận lực lượng tuần tra đã phát hiện 350 người di cư trong tình trạng suy kiệt bên trong một thùng xe kéo tại một trạm thu phí phía Nam Cosamaloapan. Đây là vụ người di cư bị phát hiện mới nhất tại tuyến đường di cư nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Người di cư từ Mexico đến Mỹ bằng cách băng qua Rio Grande, nơi có bờ sông được gia cố bằng hàng rào dây thép gai. Nguồn: Guardian.

Bất chấp mạng sống

Nhân viên an ninh nghe thấy tiếng kêu và tiếng đập cửa ở phía sau thùng xe kéo, họ mở ra và thấy quá nhiều phụ nữ, nam giới và trẻ vị thành niên đến từ Guatemala, Ecuador, Honduras và El Salvador. Họ đã suy kiệt bởi thùng xe bị nung nóng dưới cái nóng hơn 40 độ C. “Họ là những người chạy trốn bạo lực và nghèo đói ở Mỹ Latinh, dự định đến Mỹ bằng cách băng qua Mexico. Họ phải trả tiền cho những kẻ buôn lậu và phải cố tìm cách sống sót khi đi qua các khu vực đầy rẫy bạo lực ma túy” - ông Francisco Garduno, đại diện Viện Di cư quốc gia Mexico nói.

Cùng thời điểm giữa tháng 9, chỉ trong vòng 24 giờ, cảnh sát Italy đã phát hiện khoảng 6.800 người di cư định “đổ bộ” lên đảo Lampedusa của nước này. Con số đó còn nhiều hơn cả số cư dân trên đảo.

Những con thuyền mỏng manh nêm chặt người di cư châu Phi xuất phát từ Tunisia được những kẻ buôn người chở đến. Do biển động vài ngày trước đó, những chiếc thuyền sắt ọp ẹp đành phải thả trôi ngoài khơi, khi biển lặng thì tấp vào bờ để người di cư tràn lên đảo.

Francesca Basile - phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ Italy, cho biết đây là cuộc “đổ bộ” lịch sử của người di cư tính từ trước tới nay. Kể từ đầu năm tới ngày 22/9, đã có tới 120.000 người di cư bất hợp pháp “cập bến” Italy. Hầu hết trong số họ nghỉ một vài đêm trước khi tìm cách tới thị trấn Ventimiglia ở biên giới với Pháp.

Đảo Lampedusa ở Địa Trung Hải là điểm đến đầu tiên của những người di cư, từ đây họ sẽ tiếp tục di chuyển về phía bắc để đến các nước châu Âu khác.

3 tuyến đường di cư chết chóc

Đó là tuyến di cư dọc biên giới Mexico - Mỹ; Địa Trung Hải và khu rừng sình lầy Darien Gap.

Biên giới Mỹ - Mexico được coi là tuyến đường di cư nguy hiểm bậc nhất thế giới với hàng trăm người thiệt mạng mỗi năm khi cố gắng vượt qua sa mạc đầy nguy hiểm. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, trong năm 2022 tuyến đường này đã có tới 686 trường hợp người di cư tử vong, con số mất tích còn lớn hơn rất nhiều. Họ bất chấp mạng sống khi băng qua vùng sa mạc rộng lớn, những hẻm núi và những ngọn đồi cằn cỗi chỉ có xương rồng.

Paul Dillon - người phát ngôn của IOM cho biết, trong số những người di cư thiệt mạng thì gần một nửa số trường hợp cố sức vượt qua sa mạc Sonoran và Chihuahuan. “Khí hậu khắc nghiệt cùng sự dã man của các băng nhóm tội phạm đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của người di cư ở tuyến biên giới Mexico - Mỹ”- ông Dillon nói.

Tuyến di cư bất hợp pháp trên Địa Trung Hải (từ châu Phi sang châu Âu) còn khủng khiếp hơn khi mà chỉ trong 4 tháng của năm 2023 đã có tới gần 1.000 người bỏ xác và mất tích trên biển. Còn nếu tính từ năm 2014 tới nay đã có khoảng 27.000 người di cư đã chết trên biển Địa Trung Hải - số liệu của IOM. Ủy ban châu Âu (EC) đã quy trách nhiệm cho các tổ chức, băng nhóm buôn người gây ra thảm họa chìm tàu di cư. Đồng thời cũng cho rằng dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc ngăn cản dòng người di cư từ châu Phi và Nam Á “tràn” vào các nước Liên minh châu Âu (EU) đã không hiệu quả.

“Khi mà các băng nhóm buôn người vẫn hoành hành thì Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường di cư chết chóc” - phát ngôn viên của IOM đưa ra nhận xét.

Tuyến đường di cư thứ ba cũng đầy chết chóc mang tên Darien Gap - một khu vực rừng nhiệt đới nối liền Nam và Trung Mỹ. Bà Maria Isabel Saravia - Phó Giám đốc Cơ quan Di cư Panama cho biết, năm 2022 là một "năm chưa từng có" khi có tổng cộng 248.284 người tìm cách băng qua khu rừng sình lầy này. Sang năm 2023, tính đến giữa tháng 9, Darien Gap tiếp tục chứng kiến những dòng người di cư lôi thôi lếch thếch, lả đi vì đói và đã mất phương hướng.

"Trong số những đoàn người di cư, có khoảng 51% là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống được cha mẹ hoặc người thân đưa theo. Đó là những đứa trẻ vô tội chủ yếu đến từ Venezuela, Haiti Colombia và Ecuador. Họ đi bộ qua Darien Gap từ phía Colombia đến Panama để rồi tìm cách sang Mỹ và Canada” - bà Saravia cho biết.

Darien Gap dài 60 km được coi là “con đường tử thần” đối với những đoàn người di cư. Ông Rick Morales cùng gia đình sống cách tuyến đường này hơn 10 km cho biết hầu như ngày nào cũng bắt gặp những gia đình dắt díu nhau tiến vào khu rừng. Nước sông chảy xiết, những đầm lầy trơn trượt, đường rừng trắc trở và những nhóm cướp đường luôn rình rập.

Trong khi đó, Erick - một người di cư Ecuador nói: "Sự sắp đặt trái ngang của số phận khiến chúng tôi phải rời bỏ quê hương ra đi. Thật khủng khiếp khi nhìn vào mắt của những người dân ở đây trước khi chúng tôi tiến vào khu rừng Darien Gap. Đó là cái nhìn vĩnh biệt. Cả họ và chúng tôi đều biết rằng sẽ không bao giờ có ngày gặp lại”.

THẾ TUẤN