‘Giải oan’ cho xe máy điện
Việc cơ quan điều tra chỉ ra nguyên nhân vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là do chập điện xe máy động cơ xăng, đã thực sự “giải oan” cho xe máy điện. Tuy nhiên, thời điểm này đề cao cảnh giác cháy nổ từ các nguy cơ là hết sức cần thiết. Nhiều chung cư tại Hà Nội đã sắp xếp chỗ để riêng cho xe máy điện, cũng có nơi cấm hẳn gây khó khăn cho người sử dụng.
Không nên thái quá
Sau vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân đã rà soát sơ bộ có khoảng 90 chung cư mini và 1.800 nhà thuê trọ cao tầng. Trong số nhà thuê trọ có hàng trăm cơ sở cao 8-9 tầng, số hộ dân lên đến 40-50 hộ và vẫn do chủ đầu tư quản lý. Tại hội nghị giao ban của Thành ủy với các quận huyện chiều 21/9, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết: Để phòng cháy chữa cháy, các đoàn kiểm tra của quận đã yêu cầu di dời xe máy, xe đạp điện ở tầng 1 chung cư mini và nhà trọ nhiều căn hộ. "Nếu di chuyển toàn bộ thì tốt, không thì phải được 70-80%", ông Dũng nói và lý giải thống kê cho thấy 90% vụ cháy xảy ra ở tầng 1 do chập điện, chập điện ắc quy xe máy. Di dời phương tiện ra khỏi các tòa nhà sẽ giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Tuy vậy, ông Dũng không đề cập di dời xe máy, xe đạp điện đi đâu, trong khi số xe ở mỗi chung cư mini rất lớn.
Liên quan đến nguy cơ cháy nổ từ xe điện, ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại phường Khương Hạ, ban quản lý tòa nhà CT4CX2- Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) nghiêm túc tổ chức khu vực riêng để xe đạp, xe máy điện. Chị Thanh Hương, cư dân của tòa nhà cho biết, sau vụ cháy thương tâm, không chỉ các chung cư mini mà người dân ai cũng lo lắng về vấn đề hỏa hoạn. Do vậy việc quy định chỗ để xe điện riêng và quy định thời gian sạc điện là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Cùng với đó, chung cư Đại Kim (quận Hoàng Mai) đã có thông báo tới toàn thể cư dân trong tòa nhà về việc sạc xe điện. Cụ thể, Ban Quản lý tòa nhà đã quy hoạch 2 khu vực để xe điện và xe xăng riêng biệt. Khu để xe điện được bố trí gần khu vực bảo vệ để dễ quan sát trong trường hợp xảy ra sự cố. Ngoài ra, Ban Quản lý tòa nhà cũng yêu cầu cư dân không được sạc pin, ắc quy cho xe đạp điện, xe máy điện qua đêm tại hầm gửi xe. Ban Quản lý sẽ bố trí nhân viên kiểm tra và ngắt các thiết bị sạc ra khỏi nguồn điện tòa nhà. Thời gian ngắt điện từ 23h hàng ngày.
Tại khu vực Cầu Giấy, tòa nhà Long Giang 173 Xuân Thủy cũng sắp xếp lại chỗ để riêng cho xe máy, xe đạp điện. Chung cư N07B1 (Dịch Vọng) quy định chỗ để xe điện, đồng thời ban quản lý đã có thông báo về việc đưa sạc phục vụ xe máy, xe đạp điện ra khỏi tầng hầm chung cư. Ban Quản lý yêu cầu cư dân tuyệt đối không mang pin, ắc quy lên căn hộ để sạc.
Thậm chí tại một số chung cư mini ở Triều Khúc, việc sạc xe điện qua đêm đã bị cấm. Người quản lý còn yêu cầu người thuê chuyển sang sử dụng xe máy hoặc xe đạp. Thời gian chuyển đổi phương tiện từ sau ngày 30/9. Anh Tùng, sống ở chung cư mini khu vực Triều Khúc cho biết, trước đây xe để lẫn lộn, cũng không có quy định cụ thể nào về sạc hay phòng cháy chữa cháy. Hơn nữa khu chung cư này đã xây dựng khá lâu, nên không có thiết kế riêng biệt nào cho khu vực cắm sạc. Mặt khác, việc buộc phải chuyển đổi xe là gây khó với chúng tôi.
Theo ghi nhận, phần lớn chung cư hiện nay được xây dựng mà hệ thống điện không tính toán, thiết kế cho việc sạc xe điện của cư dân. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng tại những chung cư cũ, chung cư mini, nhà trọ... trong thời điểm hiện nay.
Có thể thấy, việc quy hoạch lại chỗ để của xe máy điện, xe đạp điện là chủ trương đúng, Trung tá Phạm Thanh Tâm - Phó đội trưởng PCCC&CHCN khu vực 2 (Hà Nội) cho rằng việc tách riêng khu vực cho xe điện tại những nơi giữ xe là rất cần thiết để giảm rủi ro cháy nổ. Xe điện có thể không phải nguồn phát cháy, nhưng khi cháy sẽ là tác nhân làm vụ cháy thêm nghiêm trọng, nên cần khoanh vùng riêng. Tuy nhiên, theo ông Tâm lo lắng của nhà quản lý, của người dân về an toàn là rất cần thiết, nhưng không nên thái quá.
Cần biện pháp đồng bộ
Trước thực tế nêu trên, về giải pháp tạm thời, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đề nghị thành phố giao quận, huyện yêu cầu chủ đầu tư bố trí đủ diện tích đỗ xe hai bánh. Chủ đầu tư rà soát diện tích đỗ xe của công trình, áp dụng thiết kế khu vực đỗ xe của loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ như đối với nhà chung cư.
Theo ông Phong, các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ phải rà soát và bố cục lại toàn bộ khu vực để xe, đảm bảo diện tích chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ. Trường hợp không đủ diện tích để xe theo số căn hộ/cư dân tại tòa nhà thì phải có phương án gửi xe bên ngoài. Ngoài ra, chủ đầu tư chung cư mini, nhà trọ nhiều tầng cần ngăn cách khu vực để xe với sảnh căn hộ, cầu thang bộ; tách biệt bằng vách ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực để xe với sảnh thang máy, cầu thang bộ và độc lập với lối thoát nạn...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xe máy, xe đạp điện là loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, cần được khuyến khích sử dụng để thay thế dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch nên giải pháp lâu dài, đồng bộ cũng là vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết. Bởi theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng với hàng nghìn ô tô điện đã được đưa vào sử dụng. So với tổng thể gần 8 triệu phương tiện cá nhân, con số này không lớn. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng phương tiện sử dụng điện, thay thế xe chạy xăng dầu trong cộng đồng đang ngày càng rõ nét. Vậy muốn đưa phương tiện này vào đời sống xã hội một cách an toàn, phát huy thế mạnh, hạn chế rủi ro, chính quyền đô thị cần có biện pháp đồng bộ về quy hoạch, quản lý, kiểm soát rõ ràng và hiệu quả.
Phía chuyên gia phòng cháy chữa cháy cũng nhận định, xe điện nếu được kiểm định chất lượng rõ ràng, người dùng tuân thủ quy định sạc thì rủi ro là rất thấp. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường, chỉ hãng lớn mới có đầy đủ giấy tờ chứng nhận. Còn lại, một lượng rất lớn xe máy điện được bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ nhập khẩu từ Trung Quốc không có kiểm định chất lượng, nhiều người dùng, đặc biệt thanh niên lại thích độ chế nên nguy cơ cháy nổ tăng.
Trước "sự kỳ thị" xe máy điện, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho rằng, với những hậu quả nặng nề như vậy thì phản ứng của các chủ chung cư chủ nhà cho thuê về từ chối nhận trông giữ hoặc từ chối cho sạc xe đạp hay xe máy điện cũng là bình thường. Nhưng việc đổ lỗi hoàn toàn cho xe đạp, xe máy điện có vẻ không được công bằng. “Thứ nhất, xe điện chỉ là một trong những nguyên nhân phát sinh đám cháy, thậm chí nguyên nhân cháy đối với xe lắp động cơ đốt trong còn cao hơn rất nhiều. Thống kê ở một số quốc gia cho thấy, tỷ lệ xe bị cháy của xe điện chỉ bằng 1/61 so với xe xăng dầu bị cháy. Thứ hai, công tác quản lý, nếu chúng ta quản lý tốt công tác phòng chống cháy nổ thì sẽ không thể phát sinh đám cháy và nếu chẳng may phát sinh đám cháy thì chúng ta phải có giải pháp tốt, chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống cháy nổ tại chỗ. Thứ ba, xu hướng sử dụng xe điện thay thế cho xe lắp động cơ đốt trong đã là một vấn đề tất yếu và là yêu cầu của Chính phủ để thực hiện cam kết với quốc tế trong sứ mạng ứng phó với biến đổi khí hậu, người dân sử dụng xe điện sử dụng xe lắp động cơ đốt trong cũng là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình”, TS Vũ Ngọc Khiêm phân tích.
Theo giới chuyên gia, chuyển dịch sang xe điện là một xu thế tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cần nhìn nhận chính xác và toàn diện các rủi ro cháy nổ có thể xảy ra khi sử dụng xe điện nói riêng và các thiết bị sử dụng điện nói chung. Ví dụ, quy hoạch xây dựng, hệ thống lưới điện, hạ tầng phòng cháy chữa cháy… để có giải pháp phòng tránh. Nếu chỉ tập trung quy kết cho xe điện là nguyên nhân gây cháy nổ vô hình trung đang tạo ra sự an toàn giả bởi các vấn đề căn cơ, gốc rễ đã bị bỏ qua. Đáng lưu ý, khi cả xã hội đang hoang mang về xe điện, các cơ quan quản lý càng phải hành động sớm để trấn an dư luận cũng như loại bỏ các suy diễn, các quy định thiếu căn cứ.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Đại học Bách khoa Hà Nội: Bố trí quỹ đất xây dựng điểm sạc điện công cộng
Chung cư có không gian nên bố trí một vị trí sạc pin dành riêng cho xe máy, xe đạp điện ở bên ngoài tòa nhà. Vị trí này có đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy, nguồn điện ổn định, khoảng cách giữa các phương tiện đủ rộng và có luôn có người ứng trực. Nếu không đủ không gian, buộc phải để xe ở tầng hầm thì nên bố trí một vài khu vực để sạc pin riêng thông thoáng, gần lối ra vào, gần các vật tư phòng cháy chữa cháy và có nhân viên trông coi 24/24h.
Về dài hạn, các địa phương như Hà Nội hay TPHCM cần nghiên cứu và quy định bắt buộc mỗi quận huyện hoặc phường xã phải bố trí quỹ đất và xây dựng điểm sạc điện công cộng cho xe máy, xe đạp điện. Dự báo lượng xe điện vài năm tới sẽ rất lớn, không có chung cư nào chịu nổi hàng trăm xe cùng sạc điện một lúc. Thế nên bố trí các trạm sạc công cộng đủ tiêu chuẩn, có người trông và có thu phí là giải pháp tốt. Có thể kết hợp với công viên, sân vận động, công sở, trường học cũng rất tiện.
Ngoài ra cần quản lý chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho pin xe điện. Các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường,... cần có giải pháp kiểm soát và xử lý triệt để đối với các loại mặt hàng liên quan đến sạc và pin xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; nghiêm cấm độ chế, "đóng" pin xe máy, xe đạp điện,... để giảm nguy cơ cháy nổ khi người dân sử dụng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Việc cấm xe máy điện là cực đoan
Hậu quả của vụ cháy ở Khương Hạ quá nghiêm trọng nên việc người dân thận trọng và đề phòng là điều dễ hiểu. Ý thức phòng chống cháy nổ của cả xã hội được nâng cao là điều đáng mừng. Nhưng việc cấm xe điện là cực đoan, thậm chí là sai luật. Một bộ phận người dân thiếu thông tin, kiến thức có thể phản ứng tiêu cực với xe điện còn có thể thông cảm. Cơ quan quản lý nếu cũng nhìn nhận xe điện như một thủ phạm gây cháy nổ để ban hành các văn bản cấm là sai luật. Đáng nói hơn, điều này còn đi ngược lại một chính sách lớn của Nhà nước là khuyến khích phương tiện chạy điện để bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.