Quyết liệt phòng chống cháy nổ
Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm. Phải chăng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn bị xem nhẹ? Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng việc thực hiện các quy định về PCCC chưa nghiêm, thiếu trách nhiệm, còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu.
Ông Lê Việt Trường nhấn mạnh, để tránh việc xảy ra cháy như vụ cháy chung mini gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua thì vấn đề đầu tiên là phải đáp ứng các điều kiện về PCCC. Nghĩa là “phòng” phải đặt ưu tiên hàng đầu.
PV: Thưa ông, hiện Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và an ninh về “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022” đang đi giám sát. Từ thực tế đi giám sát, cá nhân ông thấy có điểm gì bất cập?
Ông LÊ VIỆT TRƯỜNG: Quốc hội khóa XIV đã thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Qua giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 99/2019/QH14. Hiện Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và an ninh đang triển khai thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022”. Những bấp cập thì đã được đề cập trong báo cáo giám sát giai đoạn trước đó. Có điều bây giờ đánh giá xem các nơi có thực hiện hay không?
Khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2014 đã có Điều 63 a về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Theo đó, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Đặc biệt là chợ, nhà cao tầng, công trình công cộng tập trung đông người, cơ sở sản xuất, chế biến hóa chất, hàng hóa dễ cháy, nổ. Lúc đó việc giao cho HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực là để phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương. Như vậy có thể thấy về cơ sở pháp lý hiện nay là đủ cả. Còn quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một khoảng cách… rất xa.
Bất cập nhất hiện nay là việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC không được bảo đảm. Ví dụ trong xây dựng đã có những cái không ổn như thực hiện quy định về khoảng cách, chống cháy lan, thoát hiểm chưa đáp ứng yêu cầu.
Hay như về phần điện, xong công tơ thì ngành điện chỉ chịu trách nhiệm an toàn hệ thống điện đến công tơ. Còn “sau công tơ” thì hiện chưa có quy định cụ thể, trong khi đó tại Luật Điện lực cũng chỉ quy định chung chung. Hiện nay qua quá trình đi giám sát tôi đã kiến nghị cần xem xét phần “sau công tơ” như thế nào? Tức là có cuộc tổng rà soát lại tất cả việc các hộ dùng điện trong cả nước. Nếu đủ điều kiện thì đóng điện, không đủ điều kiện thì phải có giải pháp. Đối với hộ nghèo, cận nghèo thì Nhà nước có khi phải hỗ trợ tiền để họ khắc phục dây điện. Bởi trước kia khi làm nhà thiết kế tổng phụ tải tổng chỉ 1-1,5kg, nhưng bây giờ lắp thêm 2 cái điều hòa nữa khiến tổng phụ tải lên đến 2,5-3kg. Từ đó khiến quá tải, dùng lâu, dây nóng bị chảy và dẫn đến chập cháy. Đây là vấn đề đang bỏ trống, và chập cháy hiện nay chủ yếu nằm ở đó.
Một hạn chế lớn nữa nếu bây giờ không quyết liệt thì theo tôi sẽ xảy ra cháy nữa. Đó là nhà của chúng ta ở các thành phố, thị trấn, thị xã vốn đã hẹp nhà ống, liền kề sát nhau nhưng lại kết hợp kinh doanh. Cứ có mặt tiền là phải kinh doanh, không kinh doanh được thì cho người khác thuê để kinh doanh. Cho nên nguy cơ cháy rất cao do thiết kế điện ban đầu chỉ tính đến đủ cho gia đình sinh hoạt. Đến khi kinh doanh hoặc cho thuê để kinh doanh thì nhu cầu sử dụng điện rất cao, dẫn đến cháy. Chưa kể sắp xếp hàng hóa kinh doanh không theo trật tự. Đến khi xảy ra cháy rất khó khăn trong việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Nhất là vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại nơi tập trung đông người như chợ hay chung cư thì rất nguy hiểm?
- Thực tế cháy chủ yếu xảy ra ở chợ, nhà dân “vừa ở vừa kết hợp kinh doanh” là chủ yếu. Còn cháy chung cư gần đây có xuất hiện. Thế nhưng dù số vụ cháy chung cư ít hơn so với chợ hay nhà dân song khi xảy ra cháy thì gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Như vụ cháy chung cư mini xảy ra tại Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân vừa qua. Cháy chung cư chủ yếu là do chất lượng PCCC không đảm bảo. Chủ đầu tư bao giờ cũng muốn lợi nhuận cao nhất, chi phí thấp nhất. Trong khi công tác PCCC của ta từ nghiệm thu, đánh giá tại một số nơi chưa làm đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà nước công bố.
Thực ra quy chuẩn, tiêu chuẩn của ta chưa cao như các nước phát triển nhưng cũng khá an toàn. Nhưng vấn đề là người đi nghiệm thu. Bởi có tiêu chuẩn, quy chuẩn cả nhưng quan trọng là người đi nghiệm thu có làm đúng hay không mà thôi.
Nhưng thực tế vừa qua có tình trạng một số công trình chưa nghiệm thu, hay không đảm bảo về PCCC nhưng vẫn được đưa vào sử dụng, thưa ông?
- Đó là vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước. Tức là để cho không thực hiện mà cứ để tồn tại ngày này qua ngày khác. Khi xảy ra cháy rồi mới tổ chức làm “rầm rộ” được một thời gian xong “đâu lại vào đấy”.
Thưa ông, tuần qua khi Thường vụ Quốc hội đánh giá về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 cũng nhận thấy tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm. Phải chăng đó là do chúng ta thực hiện chưa nghiêm?
- Hiện có HĐND của 35 tỉnh, thành phố ra nghị quyết để tăng cường, xử lý tình trạng PCCC đối với những công trình được đưa vào sử dụng trước năm 2001 khi Luật PCCC có hiệu lực. Như vậy còn một nửa số địa phương chưa ban hành. Qua đi giám sát, tôi thấy một số nơi còn trả lời chưa sâu sát rằng “địa bàn của tôi không có loại công trình đó”. Nói thế là chưa đúng. Bao nhiêu công trình, ngay cả trụ sở của cơ quan tỉnh, huyện xây trước 2001 nhưng đến bây giờ vẫn đang sử dụng. Nếu đối chiếu vào các tiêu chuẩn PCCC là không bảo đảm nhưng không có nghị quyết để xử lý vấn đề này.
Vừa qua có việc một số doanh nghiệp kiến nghị xin chưa áp dụng một số quy định về PCCC do vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu đầu tư theo các tiêu chuẩn đưa ra thì sẽ rất tốn kém chi phí, khó khăn cho doanh nghiệp. Ông suy nghĩ thế nào về việc này?
- Đây là cái “vừa đúng, vừa sai”. Vì thực tế đúng là có việc như vậy, nhưng có nơi doanh nghiệp có thể làm được nhưng vẫn… không muốn làm. Tôi nói ví dụ ở nơi điều kiện đất đai không có thì yêu cầu giữa các cơ sở sản xuất hóa chất nhà xưởng phải có khoảng cách tối thiểu bao nhiêu mét với khu dân cư. Nhưng trên thực tế người dân đang ở sát đó, họ có sổ đỏ. Bây giờ nếu mà đập tường rào đi, thu hẹp lại nơi sản xuất để giữ khoảng cách với nhà dân thì cũng khó cho doanh nghiệp. Chỉ có cách là tăng cường loại vật liệu có thể giúp PCCC tốt hơn, tăng cường hệ thống PCCC.
Hay việc theo quy định đối với cơ sở sản xuất mực in, hóa chất có khả năng hỏa hoạn rất cao thì yêu cầu phải lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng bọt chứ không phải bằng nước. Nghĩa là lắp toàn bộ lại hệ thống phun bọt tự động trên trần thì chi phí cao nên doanh nghiệp họ không làm.
Quay lại thực tế vẫn là câu chuyện tổ chức thực hiện luật. Tức là các địa phương cần rà soát nếu thấy không đảm bảo khoảng cách giữa phân xưởng này với phân xưởng khác, cơ sở sản xuất với nhà dân thì phải tăng cường thêm các biện pháp PCCC. Còn với nơi làm được thì bắt họ phải làm, không đáp ứng yêu cầu thì yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Vậy theo ông cần giải pháp nào để đảm bảo PCCC trong thời gian tới?
- Đầu tiên, nếu chúng ta bắt đầu bằng giải pháp quy hoạch là tốt nhất. Vì trong quy hoạch tính đến sử dụng không gian làm sao cho hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng, đúng với công năng, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, và hiệu quả kinh tế xã hội là tốt nhất. Nhưng với nơi cũ thì việc “làm lại quy hoạch” là vấn đề rất khó. Do đó đối với khu mới thì chúng ta cần thực hiện quy hoạch đúng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới hiện nay.
Nhưng bên cạnh đó theo tôi dù chật hẹp, hay rộng rãi mà không tuân thủ theo các quy định về PCCC thì vẫn xảy ra cháy. Tôi nói ví dụ tại Tokyo của Nhật Bản vẫn tồn tại nhà chỉ 12m2 nhưng vẫn rất an toàn. Do đó để tránh việc xảy ra cháy như vụ cháy chung mini gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua thì vấn đề đầu tiên là phải đáp ứng các điều kiện về PCCC. Nghĩa là “phòng” phải đặt lên ưu tiên hàng đầu, bởi “phòng” là hơn “chống”. Phải tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC thì PCCC. Từ ý thức từ người dân, doanh nghiệp, sự sát sao của chính quyền.
Trân trọng cảm ơn ông!