Xã hội

Phát triển kinh tế -xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Gỡ khó để thực hiện thật tốt Bài 1: Công tác ban hành văn bản hướng dẫn

T.N 24/09/2023 14:00

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (CTMT DTTSMN) giai đoạn 1: Từ năm 2021 – 2025 đã góp phần làm thay “thay da đổi thịt” nhiều vùng đồng bào DTTSMN trên khắp cả nước. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Mới đây, đề cập kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTSMN, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho rằng, do khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTSMN là rất lớn, nên công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bất cập, có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành.

Trên 50 văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn

Đề cập về kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTSMN, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Chương trình này được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1719/QĐ-TTG ngày 14/10/2021.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát . Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát.

Về ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến các Chương trình MTQG, cơ bản đến nay đã hoàn thành với khối lượng khá lớn. Cụ thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành trên 50 văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó bình quân mỗi tỉnh ban hành khoảng từ 40 đến 50 văn bản quản lý, hướng dẫn theo thẩm quyền.

Mặc dù lần đầu tiên làm chủ Chương trình MTQG, song Ủy ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tham mưu, điều phối ban hành các văn bản, nắm bắt tình hình địa phương và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền và trách nhiệm được giao.

Công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tuy nhiên theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTSMN là rất lớn, nên mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành trung ương và địa phương đã rất tích cực, quyết liệt nhưng công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bất cập, có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành, có nội dung yêu cầu sửa đổi.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên là do Chương trình MTQG DTTSMN được thiết kế rất phức tạp, gần như tập hợp lại tất cả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTSMN trong một Chương trình mục tiêu quốc gia, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, rất phức tạp. Bên cạnh đó còn do hệ thống khung pháp lý các văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn thực hiện lớn; có văn bản nội dung chưa rõ ràng, dẫn chiếu nhiều văn bản khác.

Đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi tỉnh Sơn La đang rất cần vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: bienphong.com.vn
Đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi tỉnh Sơn La rất cần vốn để phát triển sản xuất.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Trong quá trình triển khai, Trung ương yêu cầu các địa phương ban hành rất nhiều quy định để thực hiện trong phạm vi của tỉnh. Song, trên thực tế có nhiều quy định phải chờ đợi Trung ương có văn bản hướng dẫn hoặc phải xin ý kiến của Trung ương trước khi địa phương ban hành.

Đối với một số nhóm chỉ tiêu liên quan đến nguồn lực thực hiện từ vốn sự nghiệp, do văn bản hướng dẫn chưa được kịp thời ban hành; chưa đầy đủ về quá trình lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch vốn làm cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy mô thực hiện; chưa tạo điều kiện phân cấp, hoặc không đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến khó khăn vướng mắc cho địa phương để tổ chức triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình, ông Thảo cho biết thêm.

Khối lượng công việc là rất lớn, trong khi tình hình biên chế, nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn nhiều hạn chế. Mặt khác, nhiều địa phương tập trung nhiều đồng bào DTTS nhưng không có Phòng Dân tộc huyện. Cơ quan công tác dân tộc, ở một số địa phương vừa yếu, vừa thiếu. Do đó, việc triển khai Chương trình ở địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thiếu thống nhất và gặp nhiều khó khăn.

Sau 3 Hội nghị sơ kết khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ, Ủy Ban Dân Tộc đang tổng hợp ý kiến các địa phương để báo cáo trước Quốc hội vào tháng 10 năm nay. Cùng với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Dân tộc còn có sự đồng hành của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, mong rằng những khó khăn trên sẽ sớm được tháo gỡ để công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đồng bào dân tộc sẽ đạt kết quả cao nhất.

T.N